Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thực hiện trong thời gian qua đã góp phần làm thay đổi nhận thức cũng như cuộc sống của người dân bản Nà Cáng, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) khi tham gia bảo vệ rừng. Việc quản lý và sử dụng nguồn tiền DVMTR một cách hợp lý của cộng đồng bản Nà Cáng vừa tạo sinh kế bền vững, vừa đem lại hiệu quả thiết thực, tác động không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trong bản.

Gia đình ông Poòng Văn Dưỡng đã sử dụng tiền DVMTR để mua máy tuốt lúa, phục vụ sản xuất.

Nà Cáng là một trong những chủ rừng làm tốt công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tiền DVMTR trên địa bàn xã Chà Nưa. Trung bình mỗi năm, cộng đồng bản thụ hưởng trên 1 tỷ đồng tiền DVMTR. Ngoài trích 10% để phục vụ hoạt động của Tổ quản lý, bảo vệ rừng của bản, số tiền còn lại được chia đều cho các hộ dân và bà con đều sử dụng nguồn tiền khá hiệu quả. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Poòng Văn Danh, bản Nà Cáng, xã Chà Nưa cùng các hộ khác trong bản thường được nhận khoảng 10 triệu đồng từ chính sách chi trả DVMTR. Từ số tiền đó, mỗi năm gia đình anh Danh sử dụng cho một việc khác nhau. Nhờ đó, gia đình anh đã khai hoang thêm nhiều diện tích ruộng và mua sắm máy móc để việc sản xuất, canh tác ngày càng hiệu quả. Anh Danh chia sẻ: “Nếu không có tiền DVMTR thì gia đình mình cũng khó khăn lắm! Bởi phải bỏ ra không ít tiền để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất và đồ dùng trong cuộc sống của gia đình. Giờ được hưởng tiền DVMTR, gia đình mình đã dùng để san ủi ruộng bậc thang, mua máy móc, phân bón; rồi mua sắm các phương tiện phục vụ sản xuất… Nhờ vậy, cuộc sống cả nhà giờ cũng ổn định hơn nhiều”.

Cách nhà anh Danh không xa, gia đình ông Poòng Văn Dưỡng cũng là hộ sử dụng khá hiệu quả tiền DVMTR. Từ nguồn tiền ấy, ông Dưỡng đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn khá kiên cố và có kinh phí đầu tư, mua máy tuốt lúa phục vụ việc thu hoạch lúa hàng năm. Dù không phải là tài sản lớn, nhưng để gia đình tự bỏ ra khoản tiền xây được chuồng chăn nuôi, mua được máy móc cũng không dễ dàng. Ngoài ra, ông Dưỡng còn sử dụng tiền DVMTR cho nhiều việc khác, giúp gia đình giảm bớt mối lo trong chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Ông Dưỡng cho biết: “Tiền DVMTR mỗi năm được 9-10 triệu đồng, gia đình tôi dùng để mua máy móc sản xuất. Những năm trước, đươc nhận tiền DVMTR, tôi dùng để đóng học phí cho con cái; còn năm nay lại sử dụng đầu tư xây chuồng chăn nuôi lợn và còn thừa một ít dùng vào việc mua máy tuốt lúa. Nếu không có tiền này mà cần làm những việc như vậy thì phải đi vay anh em hoặc vay ngân hàng. Trước tôi cũng phải vay mượn, song giờ có tiền DVMTR rồi thì không phải lo lắng nhiều đến tiền nong nhiều như trước nữa nên cuộc sống cũng ổn định hơn”.

Cán bộ xã Chà Nưa tuyên truyền về ý nghĩa của chính sách chi trả DVMTR cho người dân bản Nà Cáng.

Cũng như gia đình ông Dưỡng hay anh Danh, các hộ dân trong bản Nà Cáng đều sử dụng tiền DVMTR một cách hiệu quả, giúp họ giải quyết được một số nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống, tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất của gia đình. Ngoài việc chia đều cho các hộ dân cùng được hưởng lợi từ tiền DVMTR, bản Nà Cáng cũng trích một phần, vừa để phục vụ cho hoạt động bảo vệ rừng của bản, vừa thực hiện một số công việc chung của cộng đồng. Do đó, cùng với việc sử dụng đúng mục đích, việc quản lý nguồn tiền này ra sao cho hiệu quả, khách quan cũng là việc được bản Nà Cáng quan tâm và thực hiện bằng những việc làm cụ thể. Ông Khoàng Văn Biên, Trưởng bản Nà Cáng (xã Chà Nưa) cho biết: Khi được hưởng tiền DVMTR, chúng tôi trích một phần ưu tiên cho hoạt động của Tổ quản lý, bảo vệ rừng trước, sau đó mới chia đều cho các hộ dân. Ngoài ra, bản còn trích một phần để làm quỹ chung, sử dụng cho các hoạt động của việc tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng và chi tiêu một số việc cần thiết của bản. Để sử dụng hiệu quả và hợp lý, khi mua sắm cái gì hay chi tiêu vào việc nào, chúng tôi đều họp, thống nhất trong bản, đồng thời ghi chép đầy đủ nhằm đảm bảo khách quan nhất.

Việc quản lý và sử dụng tiền DVMTR hợp lý như ở cộng đồng bản Nà Cáng đã giúp cho việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đảm bảo đúng chủ trương, ý nghĩa; góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời làm cho người dân thấy được ý nghĩa, tác dụng của việc bảo vệ rừng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái rừng, mà còn mang lại nguồn thu nhập bền vững cho nhân dân. Từ đó nâng cao ý thức không để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương, từng bước nâng cao hiệu quả công tác khoanh nuôi tái sinh rừng, giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng cho địa phương.

http://www.baodienbienphu.info.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      165 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.080.829
      Online: 19