Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) những năm qua đã góp phần quan trọng để phát huy tối đa lợi thế của rừng, tạo việc làm, thêm thu nhập, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng.

Năm 2013, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên thu được hơn 103,7 tỷ đồng tiền DVMTR (bao gồm tiền 2011, 2012, 2013) và chi trả cho bên cung ứng DVMTR hơn 9,4 tỷ đồng (số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR thấp hơn so với số tiền thu được do thời điểm năm 2013 trên địa bàn tỉnh mới có huyện Tủa Chùa, Thị xã Mường Lay có Quyết định phê duyệt danh sách chủ rừng cung ứng DVMTR; 02 cộng đồng của huyện Điện Biên và 02 cộng đồng của huyện Mường Chà có Quyết định về việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng bản. Năm 2014, sau khi UBND các huyện trên địa bàn tỉnh có Quyết định phê duyệt danh sách chủ rừng cung ứng DVMTR thì Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chi trả số tiền còn lại cho các chủ rừng). Đến năm 2023, tổng thu tiền DVMTR trong năm đã tăng lên 215,916 tỷ đồng và chi trả cho bên cung ứng DVMTR  hơn 254,565 tỷ đồng. Diện tích, chất lượng rừng cung ứng DVMTR tăng, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 43,54% vào năm 2022.

Như vậy, sau hơn 11 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại tỉnh Điện Biên, diện tích rừng được bảo vệ trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên. Người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng được chi trả tiền DVMTR ngày càng cao, tạo động lực lớn để người dân sống gần rừng tiếp tục giữ rừng. Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên đã có 4.840 chủ rừng, trong đó 3.763 chủ rừng là hộ gia đình, 1.022 chủ rừng là cộng đồng, 05 chủ rừng là tổ chức, 05 tổ chức khác, 45 UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.

Chủ rừng nhận tiền chi trả DVMTR qua ngân hàng chính sách xã hội.

Ông Vàng A Dếnh - Bí Thư chi bộ bản Trống Giông B cho biết: Bản Trống Giông, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông chúng tôi được giao quản lý, bảo vệ 249,56 ha rừng, sau khi nhận quản lý rừng, 62 hộ gia đình trong cộng đồng bản Trống Giông (bao gồm bản Trống Giông A và bản Trống Giông B), đã thống nhất chia thành các nhóm để đi tuần tra, bảo vệ rừng. Các nhóm sẽ đi tuần tra 01 lần/tháng, vào mùa khô vì thời tiết dễ xảy ra cháy rừng hay xâm hại rừng nên các nhóm sẽ tổ chức đi 02 lần/tháng. Người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng thì mới được nhận tiền DVMTR nên rất có trách nhiệm với rừng của bản.

Vừa qua, bản Trống Giông nhận được hơn 99 triệu đồng tiền DVMTR thanh toán năm 2022. Từ số tiền này, bản đã chia đều cho 62 hộ tham gia tuần tra, bảo vệ rừng mỗi hộ được hơn 1 triệu đồng; số tiền còn lại bản trích quỹ để sửa nhà văn hóa của cả 2 bản Trống Giống A và Trống Giông B, mua bàn ghế, loa đài phục vụ cho các hoạt động chung của bản tại nhà văn hóa, sửa đường vào nhà văn hóa bản... Nhờ có tiền chi trả DVMTR, người dân trong bản gắn kết với nhau hơn, đồng lòng cùng nhau bảo vệ rừng tốt hơn”, ông Dếnh nói.

Người dân bản Trống Giông trích một phần số tiền DVMTR nhận được để sửa nhà văn hóa bản.

Cũng như bản Trống Giông, cộng đồng bản Huổi Lếch, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa nhận được hơn 53 triệu đồng tiền DVMTR trong tháng 7/2023. Sau khi nhận số tiền này về từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tủa Chùa, Ban quản lý rừng cộng đồng bản Huổi Lếch họp cả bản để thống nhất cách quản lý, sử dụng tiền.

Ông Giàng A Lừ - Trưởng bản Huổi Lếch cho biết, bản gồm 66 hộ gia đình được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 82,81 ha rừng cung ứng DVMTR. Ngoài chia đều cho các hộ tham gia vào việc bảo vệ rừng, bản còn trích 1 phần làm quỹ để trả công đi tuần tra, bảo vệ rừng. Người dân bản Huổi Lếch rất chú trọng việc tuần tra, bảo vệ rừng, đã nhiều lần các nhóm tuần tra rừng của bản trong quá trình tuần tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có hành vi xâm hại rừng của bản, số tiền xử phạt được cho vào tiền quỹ chung của bản.

Có thể thấy, nhờ hưởng lợi từ rừng nên nhận thức của người dân về bảo vệ rừng đã được nâng lên từng ngày, diện tích rừng được bảo vệ ngày càng cao, để có được kết quả giữ rừng tốt như hiện nay, có phần không nhỏ từ các thôn làng, cộng đồng, người dân cùng chung sức, đồng lòng tham gia bảo vệ rừng; nguồn tiền chi trả DVMTR trở thành nguồn thu nhập ổn định, tạo động lực cho bà con giữ rừng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      165 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.097.637
      Online: 3