Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã giúp thay đổi ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân. Kết quả đó cho thấy sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua hơn 11 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được nâng lên hàng năm. Nếu năm 2016 diện tích đất có rừng là 368.772 ha, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên đạt 38,5% (Theo Quyết định số 1819/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/5/2017), số lượng chủ rừng được nhận tiền chi trả DVMTR là 2.509 chủ rừng; thì năm 2022, diện tích đất có rừng tăng lên 417.344 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,54%, tổng số chủ rừng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng toàn tỉnh là 4.840 chủ rừng, trong đó 3763 chủ rừng là hộ gia đình, 1022 chủ rừng là cộng đồng, 05 chủ rừng là tổ chức, 05 tổ chức khác, 45 UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.

Năm 2022 tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên đạt 43,54%.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song tính đến 15/12/2023, Quỹ tỉnh thu tổng tiền DVMTR đạt 131,836 tỷ đồng; tổng chi 258,143 tỷ đồng. Trong đó: chi trả thanh toán năm 2022: 168,556 tỷ đồng, tạm ứng năm 2023: 80,529 tỷ đồng. Với số tiền chi trả DVMTR năm 2022, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 2,3 triệu đồng/hộ/năm. Đặc biệt, tại xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé có một số hộ gia đình có mức thu nhập bình quân từ tiền DVMTR cao như: bản Pa Ma 123 triệu/hộ/năm, bản Tả Ló San 115 triệu/hộ/năm. Chính sách chi trả DVMTR không những giúp giảm gánh nặng lên ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mà còn huy động được nguồn nhân lực lớn cho công tác bảo vệ rừng, nâng tổng số hộ dân tham gia trực tiếp vào bảo vệ rừng lên hơn 90.000 hộ.

Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Hội đồng Quản lý Quỹ, Sở Nông nghiệp và Phát triẻn nông thôn, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Ngay từ đầu năm 2023, căn cứ Quyết định số 283/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 02 năm 2023 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt Kế hoạch thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng và dự toán chi quản lý năm 2023 của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Quỹ thực hiện ngay các công tác chuyên môn của đơn vị.

Trên cơ sở chỉ đạo của Hội đồng Quản lý Quỹ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ đã tiếp tục đổi mới nhiều nội dung, phương pháp truyền thông về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với 24 số trên sóng Truyền hình và Phát thanh, 25 chuyên mục, 06 video phóng sự, 52 bài, 66 tin. Viết 70 tin, 12 bài đăng trên trang Thông tin điện tử của Quỹ, thường xuyên đăng các video, bài viết tuyên truyền trên các trang mạng xã hội). Tuyên truyền trên các sản phẩm truyền thông, soạn thảo, in ấn và cấp phát sổ tay chi trả DVMT, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng cung ứng DVMTR, bìa đựng hồ sơ, bình giữ nhiệt, thùng rác cho các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Mường Chà, Lịch năm 2024 cho các chủ rừng là cộng đồng thôn, bản, chủ rừng là tổ chức, tổ chức khác và các đơn vị có liên quan. Tổ chức 01 Hội thi “Tìm hiểu về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”; 03 Hội thi vẽ tranh chủ đề “Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng hành cùng em đến trường”. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 02 đợt tập huấn cho chủ rừng; 01 lớp tập huấn Tập huấn sử dụng Q5PFES, khoanh vẽ lưu vực, giải đoán ảnh vệ tinh trên phần mềm QGIS cho viên chức, nhân viên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, các Ban quản lý rừng và các đơn vị có liên quan.

Đồng thời, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 9 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR của chủ rừng là cộng đồng trên địa bàn huyện Điện Biên Đông và Tủa Chùa; kiểm tra kết quả thực hiện các hạng mục trồng, chăm sóc rừng trồng thay thế năm thứ nhất, năm thứ 2 của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo, Ban QLR Mường Phăng, phòng NN&PTNT huyện Điện Biên Đông; kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của nhân viên Quỹ Bảo vệ và PTR trên địa bàn huyện Điện Biên Đông và Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé. Qua đó, đã chỉ đạo, hướng dẫn người lao động Quỹ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn và tham mưu giúp Hội đồng quản lý Quỹ tổ chức 01 cuộc kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của 02 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường nội tỉnh (Nhà máy thủy điện Trung Thu, Mùn Chung 2); kiểm tra rừng trồng thay thế chăm sóc năm thứ 2,3 và bảo vệ rừng năm thứ 6,7 của Ban QLRPH huyện Điện Biên, chăm sóc năm thứ 2 của BQLRPH huyện Mường Chà; kiểm tra đối với Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng và Kế hoạch số 34/KH-SNN về việc Triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Sở Nông nghiệp và PTNT năm 2023, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, nêu cao tinh thần nỗ lực, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số bằng những hành động thiết thực như: phối hợp với các Ngân hàng và chính quyền địa phương đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), cho các chủ rừng được giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm 2023 đến nay đã có thêm 730 chủ rừng mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả DVMTR, nâng tổng số chủ rừng đã mở tài khoản là 4.115/4.848 chủ rừng, đạt 84,9%. Tổng số tiền DVMTR năm 2022 chi trả cho các chủ rừng là 257.061.114 nghìn đồng; trong đó: Chi trả tiền DVMTR qua tài khoản Ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử 256.847.736 nghìn đồng, chiếm 99,9% tổng số tiền chi trả. Việc thực hiện thanh toán tiền DVMTR qua tài khoản Ngân hàng cho các chủ rừng đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, giảm số lượng cán bộ trực tiếp tham gia chi trả, tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo an toàn trong quá trình chi trả. Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong xác định diện tích rừng và lưu vực chi trả DVMTR; khai thác hệ thống thông tin chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Điện Biên chạy trên phần mềm v5PFES để phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng... góp phần làm cơ sở phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Điện Biên chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng.

Có thể khẳng định, trong năm qua với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, cùng với sự nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể viên chức, người lao động, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao rõ nét; nhân dân tích cực tham gia công tác tuần tra, kiểm tra rừng, PCCCR… Số vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng hàng năm giảm đáng kể.

Đ/c Lò Văn Tiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh – Chủ tịch HĐQL quỹ và Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, chỉ đạo công tác chi trả DVMTR đối với Ban điều hành Quỹ.

Trong năm 2024, với quyết tâm của Ban Giám đốc, cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ra sức thi đua sôi nổi, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn toàn tỉnh.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH