Ở tỉnh ta, người dân sinh sống gần với rừng chính là cánh tay nối dài của lực lượng Kiểm lâm, của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên muốn dựa vào cộng đồng dân cư để giữ được toàn vẹn diện tích rừng hiện có, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức linh hoạt, sát với tình hình thực tiễn.

Cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền biện pháp bảo vệ rừng đến người dân xã Hua Thanh, huyện Điện Biên.

Cộng đồng bản Nghịu, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ được giao quản lý bảo vệ gần 80ha rừng sản xuất và rừng đặc dụng. Mỗi người dân trong bản đều có cùng suy nghĩ, bảo vệ rừng chính là bảo vệ được sinh kế, bảo vệ nguồn sống của cả cộng đồng, nên ai cũng có ý thức trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng. Hàng tuần, các gia đình trong bản luân phiên bố trí thành viên, tham gia phát dọn đường băng cản lửa và tuần tra bảo vệ diện tích rừng được giao từ 2 - 3 lần. Khi phát hiện thân gỗ gãy đổ, hoặc sự tăng giảm diện tích rừng, các tổ đều kiểm kê cụ thể để báo Kiểm lâm địa bàn nắm bắt kịp thời. Anh Lường Văn Dương - Trưởng bản Nghịu, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: Để quản lý tốt vốn rừng hiện có, chúng tôi tổ chức họp dân, ký cam kết bảo vệ rừng, đưa ra quy định nếu gia đình nào để trâu bò vào rừng, phá cây rừng, sẽ phạt mỗi cây bị thiệt hại là 50.000 đồng và phải trồng lại cây, vì vậy, người dân chấp hành rất tốt. Không chỉ riêng ở bản Nghịu, người dân tại 15 thôn bản khác trên địa bàn xã Pá Khoang đều tham gia hoạt động tuần tra, quản lý bảo vệ rừng với tinh thần nghiêm túc, tự giác và xác định được rõ trách nhiệm với công việc chung của bản. Mỗi bản lại xây dựng được quy ước cụ thể phù hợp với thực tế. Nhiều năm qua hơn 2.600ha rừng trên địa bàn xã luôn được quản lý bảo vệ tốt, không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng hay khai thác lâm sản trái phép và cũng không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Kết quả đạt được đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển vốn rừng và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của xã.

Kiểm lâm địa bàn cùng người dân kiểm tra thực địa rừng Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ.

Tỉnh Điện Biên hiện có gần 700.000ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng đạt trên 400.000ha. Để giữ vững diện tích rừng hiện có, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Tuy nhiên, với một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức của người dân ở các địa bàn dân cư là khác nhau, thì đòi hỏi công tác tuyên truyền phổ biến Luật Lâm nghiệp cũng phải được triển khai linh hoạt, phù hợp với thực tế ở từng địa phương. Luật Lâm nghiệp gồm nhiều chương, nhiều điều, nếu chỉ tuyên truyền 1 lần người dân không thể nhớ hết các nội dung cần thiết, chứ chưa nói gì đến việc hiểu đầy đủ và chấp hành nghiêm. Nên công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Luật đã luôn được Chi cục Kiểm lâm tỉnh chú trọng. Mục tiêu quan trọng nhất là sau tuyên truyền, phải làm cho người dân hiểu rõ được quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với công tác quản lý và phát triển vốn rừng, tích cực tham gia hoạt động tuần tra bảo vệ rừng.

Người dân xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ tham gia phát dọn thực bì.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức được gần 800 buổi tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp tại cộng đồng, thu hút gần 22.000 lượt người dân tham gia. Nhằm phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền, để các tổ chức, cá nhân xem, nắm và tìm hiểu những thủ tục hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Điện Biên đã thành lập, duy trì hoạt động Trang thông tin điện tử của đơn vị. Nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả nội dung tuyên truyền, để thấy rõ những mặt còn tồn tại hạn chế, kịp thời thay đổi phương pháp cho phù hợp với từng địa phương. Ông Trần Đức Quyền - Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Điện Biên cho biết: Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngoài áp dụng các chế tài xử lý vi phạm, thì công tác tuyên truyền vẫn là giải pháp nòng cốt mang tính bền vững. Do vậy, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường công tác chỉ đạo các Hạt phối hợp với các địa phương có rừng tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng đến người dân. Hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp đã làm giảm áp lực cho chính quyền cơ sở, cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.

Để người dân thực sự hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của Luật Lâm nghiệp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cấp xã và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, được hưởng lợi ích từ rừng, người dân đã tích cực cùng với lực lượng chuyên trách tham gia bảo vệ rừng, được biết năm 2022, toàn tỉnh có 407.423,966 ha diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền tạm ứng năm 2022, trên 88 tỷ 500 triệu đồng. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng ở tỉnh Điện Biên mới đạt được hiệu quả như mong muốn./.

http://dienbien.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH