Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng tại xã Sín Thầu đã được chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng quan tâm. Nhận thức, trách nhiệm của người dân trên địa bàn xã từng bước được nâng cao.

Là vùng đất xa xôi nhất phía tây của Tổ quốc, xã Sín Thầu có tổng diện tích tự nhiên 16.284,75 ha, trong đó 11.853,11 ha có rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,79%. Từ khi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đến nay, toàn xã Sín Thầu đã nhận được trên 31 tỷ đồng tiền DVMTR.

Ông Pờ Chinh Phạ - Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: “Để thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao tinh thần, trách nhiệm người dân, UBND xã Sín Thầu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức, việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về thực hiện nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng; thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm quản lý nghiêm ngặt diện tích rừng trên địa bàn xã. Đặc biệt, UBND xã Sín Thầu phân công cán bộ, công chức xã phụ trách bản, thường xuyên xuống bản nắm bắt tình hình, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về quản lý, bảo vệ rừng gắn với chi trả DVMTR, tăng cường sinh kế từ rừng”.

“Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng tại xã Sín Thầu đã được chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng quan tâm” - Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu.

Những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Sín Thầu đạt được nhiều kết quả tốt, không xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Việc được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn xã là động lực, đòn bẩy để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Nằm cạnh trung tâm xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, bản Tả Ko Khừ vẫn còn những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn xanh tốt. Bản Tả Ko Khừ có 130 hộ gia đình sinh sống, trong đó 96% là người dân tộc Hà Nhì. Đối với người dân tộc Hà Nhì nơi đây, rừng là vị thần bảo hộ cho dân bản, bảo vệ rừng là sứ mệnh thiêng liêng được truyền từ đời này sang đời khác.

Khu rừng của bản Tả Ko Khừ nằm dọc theo ven đường quốc lộ, có vị trí tiếp giáp với khu dân cư bản Lỳ Mạ Tá, A Pa Chải và một số bản thuộc xã Sen Thượng, Leng Su Sìn, nguy cơ xảy ra cháy rừng, người dân khu vực lân cận chặt phá rừng rất cao. Để bảo vệ rừng, tránh tình trạng cháy rừng xảy ra, bản Tả Ko Khừ chia tất cả các hộ gia đình trong bản làm 9 tổ bảo vệ rừng, hàng tháng 9 tổ phân chia nhau mỗi tổ đi tuần tra 1 lần. Sau mỗi lần các tổ đi tuần tra, bảo vệ rừng, Tổ trưởng có trách nhiệm chấm công cho các thành viên và báo cáo với Ban quản lý rừng cộng đồng bản để biết tình hình của đợt tuần tra. Đối với những trường hợp vi phạm, tổ tuần tra phát hiện sẽ báo cáo với Ban quản lý rừng cộng đồng, kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương để xử lý nghiêm.

Người dân bản Tả Ko Khừ, xã Sín Thầu đi tuần tra bảo vệ rừng.

Đồng bào người dân tộc Hà Nhì bản Tả Ko Khừ trân trọng những cánh rừng đầu nguồn và bảo vệ rất nghiêm ngặt, đồng thời truyền miệng từ đời này sang đời khác việc giữ rừng. Những đứa trẻ trong bản luôn được người lớn trong gia đình giáo dục những luật tục của dân tộc mình, trong đó có trách nhiệm giữ gìn những khu rừng thiêng của bản theo đúng hương ước bản đề ra.

Nói về những tấm gương sáng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, ở bản Tả Ko Khừ có 2 tấm gương sáng mà người dân trong bản không bao giờ có thể quên, đó là: Liệt sĩ Xu Xề Hừ và thương binh Lỳ Pó Lòng. Năm 2010, khu rừng của bản Tả Ko Khừ bị cháy, bản huy động cả bản đi chữa cháy, người dân bản đã không nề hà lao lên dập lửa. Đám cháy sau đó được dập tắt nhưng anh Xu Xề Hừ đã thiệt mạng trong lúc chữa cháy, còn anh Lỳ Pó Lòng bị thương nặng. Ghi nhận công lao của các anh, Nhà nước phong tặng liệt sĩ đối với anh Xu Xề Hừ, còn anh Lỳ Pó Lòng được xét thương binh với tỷ lệ thương tật 82%. Tấm gương dũng cảm của các anh chính là nguồn động lực, là tinh thần bảo vệ rừng trong mỗi người dân của bản - Anh Mạ Xào Hòa, trưởng bản Tả Ko Khừ bùi ngùi kể lại.

Anh Mạ Xào Hòa - Trưởng bản Tả Ko Khừ chia sẻ với cán bộ Quỹ.

Chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả, mỗi năm người dân bản Tả Ko Khừ được nhận tiền DVMTR thêm cao. Trong đó, riêng bản Tả Ko Khừ từ năm 2011 đến năm 2021 đã nhận được trên 14 tỷ đồng với tổng diện tích được chi trả năm 2021 là 2.063,204 ha. Sau khi nhận tiền chi trả DVMTR, Ban quản lý rừng cộng đồng bản tổ chức họp các hộ gia đình trong bản và thống nhất chi tiền DVMTR theo công tuần tra bảo vệ rừng; bên cạnh đó, Ban quản lý rừng cộng đồng cũng thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi tiêu tiền DVMTR và công tuần tra bảo vệ rừng hằng năm cho các hộ gia đình trong các cuộc họp của bản. Riêng năm 2021, trung bình mỗi hộ gia đình trong bản nhận được gần 20 triệu đồng tiền DVMTR. Số tiền trên, nhiều gia đình trong bản ngoài phục vụ sinh hoạt, còn mua được con giống, vật nuôi, cây giống sa nhân trồng dưới tán rừng, từ đó thu nhập cao hơn trước, cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Tại bản Tả Ko Khừ, xác định rừng mang lại nhiều lợi ích, trong đó có lợi ích kinh tế, những năm gần đây, người dân trên địa bàn luôn làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, từ năm 2013, sau khi mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng do ông Pờ Dần Sinh - người dân bản Tả Ko Khừ triển khai mang lại hiệu quả, nhiều hộ gia đình cùng bản và trên địa bàn xã Sín Thầu đã học tập theo mô hình này, tìm mua hoặc xin hỗ trợ giống cây sa nhân từ các chương trình, dự án phát triển sinh kế của huyện về trồng dưới tán rừng. Đến nay, toàn bản Tả Ko Khừ đã phát triển lên gần 50ha trồng sa nhân.

Được biết, sa nhân là loại cây dược liệu quý, ít sâu bệnh, cho giá trị kinh tế cao. Trồng cây sa nhân không phải bón phân nên ít tốn chi phí đầu tư. Cây sa nhân trồng khoảng 2-3 năm bắt đầu cho thu hoạch, rễ cây lan tới đâu thì diện tích sa nhân được mở rộng tới đó. Nếu chăm sóc tốt, có thể cho thu hoạch trong thời gian khoảng 12 năm. Đặc biệt, ngoài hiệu quả kinh tế, sa nhân trồng dưới tán rừng mang lại độ ẩm cao, hạn chế cháy rừng trong mùa khô cũng như tình trạng xói mòn đất, tạo thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Nhờ thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng, người dân xã Sín Thầu đã có cuộc sống ấm no hơn. Nhiều năm liên tiếp xã Sín Thầu không còn tình trạng cháy rừng, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên. Truyền thống giữ rừng bằng luật tục của người Hà Nhì ở Sín Thầu được các cấp chính quyền huyện Mường Nhé khuyến khích nhân rộng và phát triển thành phong trào cộng đồng bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      156 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.075.505
      Online: 20