Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tạm ứng và thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng trong hai đợt vào tháng 10, 11 và tháng 5, 6 của năm sau. Những năm trước đây, Quỹ trực tiếp chi trả cho chủ rừng bằng tiền mặt tại xã, vì vậy mỗi lần thực hiện việc chi trả kéo dài cả tháng, nguy cơ mất an toàn khi chi trả tiền mặt, dễ xảy ra rủi ro trong quá trình cất giữ số tiền lớn.

Để đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí khi chi trả tiền DVMTR và  tăng sự chủ động, công khai minh bạch, trong việc tiếp nhận tiền của các chủ rừng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Điện Biên về chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng qua tài khoản ngân hàng hoặc các cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán điện tử; cùng với sự nỗ lực, trách nhiệm của cán bộ Quỹ tỉnh, từ năm 2019 Quỹ đã tiến hành chi trả tiền cho các chủ rừng qua tài khoản ngân hàng. Trong năm 2020 Quỹ đã tiến hành chi trả tiền DVMTR qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Điện Biên, Ngân hàng số ViettelPay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho các chủ rừng, với số tiền là 164.314.334.626 đồng.

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp, nhưng việc chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng vẫn được thực hiện đảm bảo thời gian quy định. Trong quá trình chi trả thực hiện đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo Thông điệp của Bộ Y tế. Số tiền chi trả DVMTR các chủ rừng nhận được có thể ít hoặc nhiều phụ thuộc vào diện tích rừng và đơn giá của từng lưu vực được giao quản lý, nhưng rất được bà con mong chờ. Bởi đó là “trái ngọt” từ sự nỗ lực, đoàn kết thay đổi thói quen khác nhau, nhưng chung mục đích “sống nhờ rừng”. 

Ảnh: Cộng đồng thôn Tà Huổi Tráng 1, xã Tủa Thàng nhận tiền chi trả DVMTR Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tủa Chùa.

Để hiểu rõ hơn về nhận thức của người dân trong việc mở tài khoản chi trả tiền DVMTR; Quỹ tỉnh đã thu thập thông tin từ các địa bàn, cụ thể trao đổi với ông Vàng A Dè, thôn Làng Vùa là một hộ gia đình được nhận tiền DVMTR xã Tủa Thàng và được chia sẻ: “Những năm trước chúng tôi được nhận tiền chi trả DVMTR bằng tiền mặt, trước khi cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng về xã phát tiền vài ngày, xã báo cho trưởng thôn, trưởng thôn thông báo cho từng hộ gia đình đi nhận tiền, nhưng phải mất mấy ngày mới báo được hết vì chúng tôi còn phải đi làm nương, làm Sa nhân trong rừng, có khi đi làm và ở lại trong rừng mấy ngày liền không về. Vì thế phải có người nhà vào tận rừng báo chúng tôi mới biết để đi nhận tiền, nếu không kịp về nhận tiền chúng tôi phải đợi rất lâu đến lần chi trả sau của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Nay thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, tôi được hướng dẫn các thủ tục để kê khai mở tài khoản tại ngân hàng như: Photo chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, điền đầy đủ thông tin vào giấy đề nghị mở tài khoản của ngân hàng. Việc mở tài khoản và nhận tiền qua tài khoản ngân hàng với tôi vô cùng mới và bỡ ngỡ, nhưng cách làm này rất thuận tiện, đặc biệt khi ngân hàng đến xã trả tiền, gia đình tôi bận không đến để nhận tiền được, thì lúc nào cần hoặc có việc đi huyện, tôi đến ngân hàng là rút được tiền ngay”.

Tại xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa có tổng diện tích rừng là 3.690,98 ha, trong đó diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR năm 2020 là 2.966,95 ha. Toàn xã có 11 hộ gia đình, 10 cộng đồng, 01 UBND xã Tủa Thàng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng được hưởng tiền chi trả DVMTR. Đơn giá chi trả DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn xã Tủa Thàng thuộc lưu vực Sông Đà, gồm thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La và Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex. Thôn Tà Huổi Tráng 1 là một trong những thôn có diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR nhiều tại xã Tủa Thàng. Cả thôn Tà Huổi Tráng 1 có 173 hộ gia đình tham gia vào công tác bảo vệ rừng của thôn với diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2020 là 738,989 ha. Năm nay, số tiền chi trả DVMTR cả thôn nhận là 393.575.935đ.

Không giấu nổi niềm vui khi đi nhận tiền chi trả DVMTR năm 2020, Trưởng thôn Tà Huổi Tráng 1 - ông Chang A Dờ chia sẻ: “Tiền thanh toán năm 2020 cao, người dân trong thôn phấn khởi lắm. Số tiền nhận được từ chính sách, người dân chúng tôi chủ yếu để trang trải cuộc sống, mua trang thiết bị đầu tư sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống. Nhiều gia đình bớt lo cái ăn, cái mặc. Cùng với đó, chúng tôi trích ra một phần để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Việc thực hiện chủ trương mở tài khoản thanh toán tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng, bản thân tôi nhận thấy đây là việc làm rất hay, giúp cho trưởng thôn như tôi giảm được rất nhiều công để đi báo các hộ gia đình đi nhận tiền, có trường hợp phải đi tìm tận trong rừng hay ngoài lán nương để thông báo, rất vất vả. Có tài khoản ngân hàng, khi nào cần sử dụng tiền chi trả DVMTR, Ban quản lý rừng chúng tôi mới đi rút tiền về. Nếu chưa dùng đến chúng tôi sẽ để nguyên trong tài khoản ngân hàng, thật an toàn”.

Về phía xã, ông Lò Tùng Lâm – PCT UBND xã Tủa Thàng chia sẻ: “Những năm trước dân thôn trong xã nhận tiền chi trả DVMTR bằng tiền mặt, chúng tôi rất vất vả trong việc đi báo dân đến nhận tiền và hoàn thiện thủ tục. Nay thực hiện chi trả qua tài khoản giúp giảm bớt nhiều công đoạn, mà thuận tiện cho bà con.Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR đời sống người dân có nhiều thay đổi, chính sách là động lực lớn đối với người dân. Nhờ vậy người dân có thêm khoản thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, qua đó có ý thức tự giác trong công tác bảo vệ rừng, không chặt phá, không đốt rừng. Khi có cháy rừng xảy ra, người dân đã chủ động hô hào mọi người chung tay dập lửa”.

Ảnh: Người dân chủ động tìm hiểu quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

Cùng với đó, hàng năm Đảng ủy, chính quyền xã Tủa Thàng đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các tổ chức, đoàn thể phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa và các cơ quan chức năng đi kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng của người dân trên địa bàn xã, đảm bảo chính sách DVMTR được thực hiện đúng và hiệu quả.

Nhờ chính sách chi trả DVMTR, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện; từ đó, ý thức bảo vệ rừng của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nhờ vậy mà màu xanh của rừng ngày càng được hồi sinh và phát triển. Người dân xã Tủa thàng nói riêng và người dân tỉnh Điện Biên nói chung đã ý thức được việc quản lý, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi cá nhân và gia đình.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      160 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.077.994
      Online: 20