Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, những năm qua, huyện Tủa Chùa đã thực hiện nhiều giải pháp trong quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng. Qua đó khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Huyện Tủa Chùa hiện có tổng diện tích tự nhiên 68.414,88 ha, trong đó quy hoạch đất lâm nghiệp 40.624,71 ha (đất rừng phòng hộ 16.827,61 ha; đất rừng sản xuất 8.844,59 ha). Đất có diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện là 25.925 ha (chiếm 37,89%) cơ bản đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, là huyện nghèo nên nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng chủ yếu từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thông qua các chương trình dự án hỗ trợ như: Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển lâm nghiệp bền vững, chi trả dịch vụ môi trường rừng, nguồn vốn trồng rừng thay thế cho những diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông lâm nghiệp của tỉnh... Qua đó, đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng huyện Tủa Chùa.

Theo ông Nguyễn Minh Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản để chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn phối hợp cùng các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các thôn, bản, cộng đồng dân cư trên địa bàn về chấp hành pháp luật và thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Kết quả đã triển khai tuyên truyền, học tập phổ biến pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn 12/12 xã, thị trấn cho trên 15 nghìn lượt người, trong đó phụ nữ tham gia học tập chiếm 63%, đồng thời hướng dẫn nhân dân sử dụng lửa đốt nương đúng thời gian, đúng quy trình kỹ thuật không để xảy ra cháy lan vào rừng.

Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn huyện phối hợp tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 cấp huyện; chỉ đạo 12/12 xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Tiếp tục củng cố kiện toàn 12 Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR cấp xã thành lập 127 tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng ở các thôn, bản với 1.606 thành viên; chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, chủ rừng trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại thời kỳ cao điểm, kết hợp với công nghệ cảnh báo sớm cháy rừng của Cục Kiểm lâm để kịp thời phát hiện và xử lý các điểm cháy trên địa bàn. Tổ chức giao trang thiết bị PCCCR (1.530 vỉ đạp, dao phát, găng tay chống cháy) cho các thôn bản trên địa bàn; tổ chức cắm 230 biển cấm lửa và 150 biển cấm chặt phá rừng tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng. Thông qua đó đã góp phần từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Đã bảo vệ tốt diện tích 25.925 ha rừng hiện có tính đến hết năm 2020, độ che phủ rừng đạt 37,89% (tăng 3,5% so với năm 2015).

Thông qua việc tăng cường kiểm tra của các lực lượng chức năng, huyện đã kịp thời phát hiện và xử lý tổng số 330 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng; tịch thu 79.814 m3 gỗ các loại, 43 cây ban gốc, 1.112 kg lâm sản ngoài gỗ (phong lan, lông cu li), 8 xe máy, 1 ôtô, 1 xuồng máy, 6 máy cưa, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ đồng, thu thuế tài nguyên hơn 8 triệu đồng. Do ảnh hưởng thời tiết hạn hán, khô hanh trong năm 2020 trên địa bàn huyện đã có 4 điểm cháy gây thiệt hại 12,2 ha (trong đó 6,9 ha có khả năng tự phục hồi là và 5,3 ha không có khả năng tự phục hồi).

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện có và tăng thêm hàng năm. Trong 5 năm (2016 - 2020), UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huyện và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện trồng mới, chăm sóc, bảo vệ 198,85 ha rừng phòng hộ, thay thế; trồng mới 321.060 cây phân tán và 5.780 cây phong trào; thực hiện bảo vệ chuyển tiếp đối với diện tích 41,1 ha rừng trồng năm 2011 và khoán bảo vệ 14,1 ha rừng trên địa bàn xã Mường Báng, Mường Đun, Trung thu; trồng cây Hoa ban tập trung 14,91 ha tại Tủa Thàng và Thị trấn. Công tác nghiệm thu chi trả chính sách hỗ trợ được thực hiện đảm bảo theo quy định hiện hành, tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn trên 11,239 tỷ đồng. Trong 3 năm (2018 - 2020) đã tổ chức thực hiện lập hồ sơ giao khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng được 990 ha và đã ban hành Quyết định giao trách nhiệm cho UBND các xã, thị trấn, hộ gia đình, cá nhân quản lý và bảo vệ.

Việc cấp phép khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn được thực hiện nghiêm, tuân thủ theo quy định của pháp luật, công tác kiểm tra giám sát trong quá trình khai thác, sơ chế, vận chuyển đi tiêu thụ luôn đảm bảo nộp thuế đầy đủ theo quy định. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tổ chức nghiệm thu chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định. Trong 4 năm 2016 - 2020 đã chi trả tổng số tiền DVMTR trên địa bàn 63,1 tỷ đồng cho 22.803,5 ha rừng do 123 cộng đồng thôn, bản và 242 hộ gia đình cá nhân bảo vệ với diện tích 1.637,17 ha.

Hàng năm, huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tổ chức nghiệm thu chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

UBND huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng đến từng hộ dân; chỉ đạo cơ quan chuyên môn huyện thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người dân. Qua đó đã từng bước khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng, người dân tại địa phương đã bắt đầu quan tâm và coi trọng việc đầu tư trồng rừng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình; người dân được hưởng lợi từ chính sách phát triển rừng (trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng); chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các lâm sản từ rừng, đã góp phần tăng thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống.

Tuy vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản gỗ trái phép đặc biệt gỗ nghiến dạng thớt vẫn còn xảy ra; hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, phát triển kinh tế rừng còn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện… Song nhìn chung, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đã phát huy được những ưu thế vốn có về rừng và đất lâm nghiệp của huyện Tủa Chùa trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn./.

http://dienbien.gov.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      159 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.077.830
      Online: 16