Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách đột phá tại tỉnh Điện Biên kể từ khi được triển khai áp dụng rộng rãi từ năm 2011 đến nay.

Rừng được chi trả DVMTR tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ

Chi trả DVMTR là cơ chế tài chính trong đó các bên được hưởng lợi dịch vụ rừng có trách nhiệm chi trả cho các bên cung cấp DVMTR. Mục tiêu của chính sách này là giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra nguồn tài chính ổn định nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn. Theo Nghị định số 99/2010/ND-CP, nay là Luật Lâm nghiệp; quy định các loại DVMTR bao gồm: bảo vệ nguồn nước; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản. Năm 2010, chính phủ Việt Nam đã thiết lập mức chi trả cố định cho các dịch vụ bảo về nguồn nước và vẻ đẹp cảnh quan. Chính phủ cũng đã xác định những đối tượng cụ thể sử dụng dịch vụ môi trường rừng và có trách nhiệm chi trả các khoản phí DVMTR này như các công ty cấp nước, nhà máy thủy điện và các công ty du lịch; và những người cung cấp dịch vụ nhận nguồn tiền chi trả DVMTR là chủ rừng, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng hoặc tổ chức kinh tế. Nguồn thu từ DVMTR đã trở thành nguồn tài chính quan trọng cho ngành lâm nghiệp qua việc gia tăng nguồn thu cho chủ rừng, giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước, và nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với tỉnh Điện Biên giai đoạn từ năm 2019- 2023, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã tăng cường công tác rà soát, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR thường xuyên. Số lượng cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng nội tỉnh gồm 19 cơ sở, trong đó khoản thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2019 - 2023 từ nguồn uỷ thác từ Quỹ Việt Nam và các đơn vị sử dụng dịch vụ nội tỉnh đạt 1.153 tỷ đồng, bình quân trên 230 tỷ đồng/năm, đạt 100% kế hoạch đề ra. Nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ rừng hơn 404.000 ha, chiếm 97,37% diện tích rừng toàn tỉnh. Chi trả DVMTR mang lại nguồn thu nhập cho người dân, góp phần cải thiện đời sống nên nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trong tỉnh. Thu nhập bình quân toàn tỉnh của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng được chi trả DVMTR gần 2 triệu đồng/hộ/năm. Điển hình một số hộ gia đình có mức thu nhập cao như cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được gần 87 triệu đồng/năm. 

Công tác phối hợp tuần tra bảo vệ rửng ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Ảnh: CTV.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như trong việc phòng, chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tại những khu vực được chi trả DVMTR người dân chú trọng hơn trong công tác bảo vệ rừng, hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Chính sách chi trả DVMTR đã gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng, đồng thời còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh ngày một tăng năm 2021 đạt 42,96% năm 2022 đạt 43,5%, năm 2023 đạt 43,54%.

Từ tình hình thực tế của tỉnh Điện Biên hiện nay, việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho lĩnh vực lâm nghiệp còn hạn chế, do các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp dẫn đến hạn chế trong việc huy động các nguồn lực tài chính để xây dựng, thực hiện dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của tỉnh còn chưa phát triển, các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu vẫn là sơ chế, quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, công nghệ chế biến lạc hậu và sản xuất theo chuỗi giá trị gần như chưa phát triển.

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Mục tiêu tổng quát của ngành là xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội… Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm nghiệp 4,43% so với năm 2023; tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 đạt 44,5%. Nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường hàng năm đóng góp một khoản không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên nói chung, nguồn lực cho lâm nghiệp nói riêng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      165 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.084.373
      Online: 4