Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (CTDVMTR) triển khai ở Điện Biên đã làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng. Từ nguồn tiền CTDVMTR các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã sử dụng linh hoạt, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cuộc sống của nhiều gia đình ở vùng cao.

Từ nguồn hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng, đời sống của đồng bào được nâng lên, kinh tế-xã hội được phát triển, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy.

Xây nhà văn hóa bản

Tỉnh Điện Biên có diện tích đất rừng trên 407.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 43%. Những năm gần đây, từ công tác tuyên truyền của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương, các hộ trồng rừng và người dân đã hiểu rõ lợi ích từ việc giữ rừng, trồng rừng.

 Đặc biệt, từ việc tham gia trồng rừng, người dân còn được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước; cộng đồng tham gia trồng và bảo vệ rừng được hưởng chính sách CTDVMTR hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống.

Cuối tháng 3/2023, bản Tào Xa A , xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông đã khánh thành nhà văn hóa bản trong sự vui mừng, phấn khởi của Nhân dân. Đáng nói là, để làm được nhà văn hóa này, bà con đã thống nhất sử dụng tiền CTDVMTR của 3 năm gần đây để xây dựng. 

Ông Hạ A Và, Trưởng bản Tào Xa A chia sẻ: Trước đây, Nhà nước trả tiền dịch vụ môi trường rừng, bản cũng chia đều cho bà con. Nhưng từ năm 2020 đến nay, bản đã thống nhất sử dụng tiền quản lý, bảo vệ rừng để làm nhà văn hóa. Trong quá trình làm, được Phòng Dân tộc huyện còn ủng hộ 40 triệu đồng, mỗi hộ trong bản đóng góp 600 nghìn đồng. Người dân rất phấn khởi, khi vận động đóng góp nhà nào cũng ủng hộ ngay. Có nhà văn hóa, các họat động hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân sẽ được thuận lợi rất nhiều.

Từ sự đồng thuận của người dân, nhà văn hóa bản Tìa Ghếnh C, xã Keo Lôm, Điện Biên Đông được xây dựng từ sự tiền CTDVMTR

Tương tự, nhà văn hóa bản Tìa Ghếnh C, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông cũng được xây từ tiền CTDVMTR. Được khánh thành và đưa vào sử dụng hơn 5 tháng nay, nhà văn hóa bản Tìa Ghếnh C có diện tích hơn 80 mét vuông theo tiêu chí 3 cứng gồm: mái cứng, khung cứng và ơ nền cứng. Số tiền làm nhà văn hóa bản Tìa Ghếnh C là 100 triệu đồng, trong đó 92 triệu đồng là nguồn tiền CTDVMTR của bản dành dụm trong  3 năm gần đây. Còn 8 triệu đồng do UBND xã huy động các nhà hảo tâm. 

Ông Vừ Súa Tùng, Trưởng bản Tìa Ghếnh C cho biết: Việc họp bản thống nhất sử dụng tiền CTDVMTR để làm nhà văn hóa là phương án tốt nhằm sử dụng hiệu quả tiền DVMTR. Những năm trước đây, tiền CTDVMTR chia đều cho các hộ trong bản, mỗi hộ cũng chỉ được vài trăm nghìn. Bà con chi tiêu vào sinh hoạt vài ngày là hết. "Từ năm 2020 đến giờ chúng tôi cũng thống nhất với bà con, dành tiền làm cái nhà văn hóa sử dụng vào việc chung, bà con ai cũng được hưởng. Bà con cũng đều nhất trí, ủng hộ...".

Không chỉ ở 2 bản Tào Xa A, xã Phì Như hay bản Tìa Ghếnh C, xã Keo Lôm sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để làm nhà văn hóa, mà ở trên địa bàn huyện Điện Biên Đông trong 3 năm trở lại đây, có khoảng 150 nhà văn hóa bản được xây dựng và nâng cấp. Trong đó, nguồn vốn chủ yếu là sử dụng tiền CTDVMTR của các cộng đồng. 

Ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông thông tin: Chủ trương của địa phương, tiền ngân sách tập trung vào việc xây dựng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt. Còn nhà văn hóa hiện nay sử dụng chủ yếu là tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của người dân, cùng với các phòng ban tiết kiệm, các doanh nghiệp hỗ trợ để thực hiện việc này. Đến nay, trên địa bàn huyện chỉ còn hơn 40 nhà văn hóa nữa thì hoàn thành 198 bản có nhà văn hóa. 

Lực lượng Kiểm lâm huyện Nậm Pồ làm việc với các chủ rừng xã Vàng Đán về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nhiều lợi ích từ chính sách CTDVMTR

Ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Điện Biên, các thôn bản, cộng đồng, chủ rừng cũng đã có nhiều phương pháp để quản lý, sử dụng hiện quả tiền từ chính sách CTDMTR. Đơn cử như ở bản Tân Bình, xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, bản được Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ rừng, với gần 100 ha. Từ năm 2020, trung bình mỗi năm, bản được chi trả khoảng 40 triệu đồng. 

Hằng năm, khi nhận được tiền CTDVMTR, bản sẽ trích 50% cho tổ bảo vệ rừng để quản lý nhằm hỗ trợ được phần nào tiền xăng, tiền điện thoại cho các thành viên trong tổ. 50% còn lại thì chia đều cho 38 hộ trong bản. Người dân được nhận tiền DVMTR, dù không nhiều nhưng cũng là nguồn động viên kịp thời với bà con, đồng thời bù đắp được phần nào những thiệt thòi cho tổ bảo vệ rừng của bản, khi họ phải bỏ nhiều thời gian, công sức cho việc giữ rừng chung của bản. Cũng từ việc có hỗ trợ từ tiền DVMTR, tổ bảo vệ rừng đã hoạt động tích cực hơn. 

Diện tích rừng của cộng đồng các bản ở xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ được bảo vệ nguyên vẹn.

Ông Cầm Văn Phớ, thành viên tổ Bảo vệ rừng bản Tân Bình, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Khi có tiền  CTDVMTR về chia cho anh em, thì chia theo số công được chấm. "Chúng tôi thực hiện tốt quy trình mà tổ đã đề ra. Khi đi tuần tra, các thành viên mà phát hiện vi phạm liên quan đến rừng, thì báo cáo kịp thời, phấn khởi là đến nay  chưa phát hiện trường hợp nào chặt phá trong diện tích chúng tôi bảo vệ".

Cũng tùy theo diện tích rừng nhận khoán ở từng khu vực, mà số tiền bà con được nhận sẽ khác nhau. Như ở xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất của huyện, mỗi năm, số tiền rừng mỗi hộ được nhận trên 20 triệu đồng. Từ khi có nguồn tiền CTDVMTR, hầu như hộ nào trong xã cũng mua sắm được các phương tiện sản xuất như: máy cày, máy tuốt lúa, máy xay sát vv…, tạo thuận lợi và đem lại hiệu quả hơn nhiều trong sản xuất. 

Người dân sử dụng tiền CTDVMTR mua máy nạo sắn để chăn nuôi lợn.

Ông Chảo San Trình, bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ phấn khởi khoe: Trước kia, nguồn thu nhập của gia đình phụ thuộc vào những bao thóc từ làm ruộng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng kể từ khi có tiền CTDVMTR, gia đình đã mua sắm được đồ dùng, máy cày, máy tuốt và cho con ăn học.

Từ thực tế còn cho thấy, lợi ích kép từ chính sách chi trả DVMTR đã góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng, đem đến cho bà con khắp các bản làng ở vùng cao Điện Biên một cuộc sống mới khang trang, no ấm và yên vui hơn. 

https://baodantoc.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH