Được bà con dân bản Pom Cại, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên tín nhiệm bầu làm trưởng bản đã 15 năm, nhưng chưa khi nào ông Lò Văn Thân thấy bằng lòng với những việc mình đã làm được. Mỗi ngày qua, trưởng bản Lò Văn Thân luôn tự nhủ, sẽ nỗ lực hơn vì việc chung của bản, để bà con có cuộc sống ngày càng ấm no.

Trưởng bản Lò Văn Thân (đầu tiên, bên phải) thông báo kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng đến các thành viên trong bản Pom Cại.

Bao nhiêu năm làm trưởng bản thì cũng chừng ấy năm ông Lò Văn Thân tận tụy với việc tuyên truyền, vận động người dân trong bản tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Ông Thân cho biết: Trận lũ quét năm 1991 đã cuốn trôi hầu hết nhà cửa, tài sản cho nên bà con bản Pom Cại phải di chuyển từ bản cũ về đây (bản Pom Cại hôm nay). Khi đó, cả bản có hơn 40 nóc nhà đều lợp bằng gianh nứa và 100% số gia đình đều có tên trong danh sách hộ nghèo, đường đi trong bản thì lổn nhổn đất, đá,…

Thấu hiểu khó khăn, cơ cực của người dân Pom Cại, ngay khi được dân bản tín nhiệm bầu trưởng bản, ông Lò Văn Thân đã chủ động tìm hiểu các chính sách hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, tìm đọc các mô hình hiệu quả in trên báo, tạp chí rồi ghi chép lại vào cuốn sổ riêng làm "cẩm nang kiến thức". Vào những buổi họp bản được tổ chức mỗi tháng một lần, ông đều dành thời gian thông tin chính sách; khuyến khích các gia đình mạnh dạn lựa chọn, thực hiện một mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp. Ngoài lời hứa "đến tận nhà hướng dẫn cách làm", trưởng bản Lò Văn Thân còn cam kết sẽ hỗ trợ các gia đình hoàn thiện thủ tục đề nghị vay vốn khi bà con có yêu cầu. Chính sự nhiệt tình, trách nhiệm của ông đã khích lệ người dân bản Pom Cại thêm quyết tâm thoát nghèo. Đến nay, Pom Cại chỉ còn bảy hộ nghèo trên tổng số 74 hộ gia đình. Điều đáng quý là đến nay hầu như gia đình nào cũng có con em học đại học, đi làm cán bộ, công chức ở nhiều địa phương trên cả nước.

Trò chuyện với người dân bản Pom Cại, chúng tôi được biết, nhiều năm qua trưởng bản Lò Văn Thân còn kiêm chức Tổ trưởng tổ tuần tra bảo vệ rừng. Hằng tháng, ông trực tiếp lập kế hoạch, phân công tám thành viên trong tổ luân phiên đi tuần tra 429 ha rừng mà bản nhận khoán, bảo vệ rừng để hưởng dịch vụ môi trường rừng. Nhờ đó, hằng năm mỗi gia đình trong bản Pom Cại đều có thêm từ hai đến bốn triệu đồng để mua sắm thêm vật dụng gia đình, công cụ sản xuất. Với cộng đồng bản Pom Cại, cũng nhờ nguồn kinh phí từ quỹ dịch vụ môi trường rừng mà mỗi năm đều có thêm một công trình cộng đồng mới được hoàn thành, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cộng đồng của người dân trong bản.

Đưa chúng tôi đi thăm công trình đường nội đồng bản Pom Cại mới hoàn thành dịp đầu năm 2021, trưởng bản Lò Văn Thân chia sẻ: Nếu dùng ngân sách làm con đường này có lẽ cần đến vài trăm triệu đồng chứ không ít. Nhưng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng và công sức bà con dân bản mà con đường này được hoàn thiện với mức đầu tư gần 50 triệu đồng. Nhớ lại quá trình làm đường nội đồng, ông Thân cho biết: Khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020, tôi đã xin ý kiến chi bộ rồi họp công khai xin ý kiến bà con để lại 30 triệu đồng chi cho các hoạt động tổ bảo vệ rừng. Cùng với số tiền Quỹ của tổ được trích lại từ năm trước, chúng tôi đã thống nhất dành tiền mua xi-măng, còn các vật liệu khác, như: cát, đá thì huy động nhân dân trong bản góp sức khai thác tại suối. Sau 20 ngày huy động sức người, sức của, đường nội đồng đã hoàn thành với chiều rộng 1,2 m, chiều dài gần 1 km. Hai bên đường được kè đá chắc chắn. Từ ngày có con đường, bà con ra ruộng canh tác hay vận chuyển thóc lúa làm ra cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Trước cứ phải gánh từng bao về nhà vất vả lắm, trưởng bản Lò Văn Thân tâm đắc. Cứ như thế, mỗi năm hai lần nhận tiền công bảo vệ rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà về, ông Lò Văn Thân lại tổ chức họp bản thống nhất định mức chi cho từng gia đình và phần trích quỹ làm công trình cộng đồng của bản.

Với tinh thần trách nhiệm, việc chung của bản, việc lớn, việc nhỏ của từng gia đình, trưởng bản Lò Văn Thân đều có mặt giúp sức vì thế người dân Pom Cại luôn tin tưởng chia sẻ, gửi gắm mọi niềm vui, nỗi niềm,… Điều ông Thân tâm đắc nhất, đó là bản làng đang ngày một trù phú hơn, đời sống của bà con trong bản được cải thiện trông thấy. Nghĩ đến một ngày không xa, khi lớp con cháu rời bản đi học xa trở về đóng góp làm giàu cho gia đình, quê hương, người trưởng bản trọn đời tâm huyết với xóa đói, giảm nghèo lại mỉm cười đầy lạc quan.

https://nhandan.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      160 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.078.137
      Online: 23