Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống người dân ở các cộng đồng dân cư giáp ranh với rừng mà còn mang lại đa lợi ích. Khi rừng được bảo vệ, quản lý tốt thì các đơn vị sử dụng DVMTR, như: Nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp cũng được hưởng lợi nhờ vào khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước của môi trường rừng.

Cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Nậm San (Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé) phổ biến về chính sách chi trả DVMTR cho người dân xã Mường Nhé.

Giai đoạn 2012 - 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ký 17/17 hợp đồng với các đơn vị sử dụng DVMTR lưu vực nội tỉnh, gồm: 15 nhà máy thuỷ điện, 1 công ty nước, 1 đơn vị sử dụng nước cho công nghiệp. Là một trong những dự án thuộc hệ thống quy hoạch các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, được xây dựng trên tổng diện tích gần 300ha, Nhà máy Thủy điện Trung Thu có thể tích lòng hồ hơn 30 triệu mét khối nước trên hệ thống sông Nậm Mức và sông Ðà, thuộc địa bàn 2 xã: Pa Ham (huyện Mường Chà) và Trung Thu (huyện Tủa Chùa). Cùng với việc phát triển sản xuất, phát huy tối đa lợi ích kinh tế của nhà máy, công tác đảm bảo điều kiện môi trường luôn được lãnh đạo nhà máy quan tâm, chú trọng. Hàng năm, nhà máy đều chấp hành nghiêm chính sách chi trả DVMTR với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Kiên, Quản đốc Nhà máy Thủy điện Trung Thu, cho biết: Đến nay, Nhà máy Thủy điện Trung Thu đã đi vào hoạt động, tích nước, phát điện hơn 5 năm nay. Để hoạt động bền vững, nhà máy phụ thuộc rất lớn vào diện tích và chất lượng rừng trong lưu vực. Vì vậy, việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trả DVMTR vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của đơn vị. Do đó, hàng năm nhà máy luôn thực hiện nghiêm túc theo đúng hợp đồng đã ký kết với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, tiến hành chi trả DVMTR theo đúng quy định.

Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả cho 4.203 chủ rừng, trong đó có 3.097 chủ rừng là hộ gia đình, 1.050 chủ rừng là cộng đồng, 47 UBND xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 5 chủ rừng là tổ chức, 4 chủ rừng khác. Chỉ tính riêng năm 2021, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh được chi trả DVMTR hơn 2 triệu đồng. Trong đó có một số hộ gia đình có mức thu nhập cao, như: Cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) với thu nhập bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được hơn 100 triệu đồng/năm; cộng đồng bản Thẩm Táng, xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) bình quân nhận được hơn 40 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé chia sẻ: Từ khi được hưởng tiền DVMTR, người dân trên địa bàn xã đã nâng cao ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ có sự chung tay của bà con mà chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng “nhẹ gánh” hơn trong công tác giữ rừng. Từ nguồn tiền được chi trả, bà con còn có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế; bản có kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, cổng chào thôn, nhà văn hóa, sân thể thao, kênh mương thủy lợi, đường điện chiếu sáng… góp phần nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM trên địa bàn xã.

Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần làm chuyển biến tích cực công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn người dân ở các cộng đồng dân cư giáp ranh với rừng. Tuy nhiên, để người dân hiểu, nâng cao ý thức giữ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cho biết: Để chính sách DVMTR được mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh biết đến và hưởng ứng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xây dựng nhiều phương pháp truyền thông về chính sách chi trả DVMTR. Trong đó chú trọng đến thiết kế, in ấn và cấp phát các ấn phẩm truyền thông có logo và hình ảnh của Quỹ đến chủ rừng, các đơn vị có liên quan. Với mục đích tuyên truyền, giáo dục và góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh trong vùng được chi trả DVMTR, lan tỏa tới gia đình, cộng đồng nơi các em sinh sống về ý nghĩa, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đều tổ chức trao tặng sản phẩm truyền thông đến tận tay học sinh vào đầu năm học. Tổ chức chương trình “Chính sách chi trả DVMTR đồng hành cùng học sinh đến trường”, trao tặng 5.000 ba lô, 110.000 vở học sinh, 4.000 áo khoác cho học sinh tại các huyện được chi trả tiền DVMTR. Ngoài ra, đơn vị đã ký kết hợp đồng với các cơ quan, đơn vị truyền thông Trung ương và địa phương, tuyên truyền các hoạt động liên quan đến chính sách chi trả DVMTR; mở chuyên mục trên các nền tảng số, mạng xã hội; cắm 319 biển báo tại các khu vực rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Thực tế, việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn. Cùng với đó, chính sách thiết thực này còn góp phần từng bước cải thiện, tăng thu nhập cho người dân cũng như nâng cao khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng DVMTR; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.

http://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      165 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.079.348
      Online: 7