Để nâng cao vai trò trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với mục tiêu thay đổi nhận thức cho người dân.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ hướng dẫn người dân xã Nậm Nhừ ký cam kết bảo vệ rừng.

Trong năm 2021, trên địa bàn Nậm Pồ xảy ra 29 vụ vi phạm liên quan đến quản lý bảo vệ rừng. Các lực lượng chức năng đã xử lý 29 vụ, trong đó: 25 vụ xử lý vi phạm hành chính; 4 vụ đã ban hành quyết định khởi tố hình sự về tội hủy hoại rừng. Tổng số tang vật, phương tiện, công cụ tịch thu sung công quỹ Nhà nước gồm: 6,455m3 gỗ các loại và 15 dao phát. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 204 triệu đồng. Tuy vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Nậm Pồ phát hiện 56 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Hành vi phá rừng trái pháp luật 53 vụ gây thiệt hại 25,61ha; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 2 vụ; vi phạm các quy định về hồ sơ trong vận chuyển lâm sản 1 vụ. Như vậy có thể thấy rằng, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Nậm Pồ tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều nguyên nhân được xác định, nhưng trong đó một phần do người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trở về địa phương từ các tỉnh, huyện khác phá rừng để tìm sinh kế.

Trước tình hình phá rừng tăng cao, huyện Nậm Pồ kịp thời triển khai các lực lượng ngăn chặn hiện tượng này ngay trong tháng 3/2022 và kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm để làm gương cho các trường hợp khác. Đến nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ 5 đối tượng và làm rõ vi phạm để tiến hành khởi tố theo pháp luật. Đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan, phòng, ban, đoàn thể huyện, đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng… và các văn bản liên quan khác. Trong những tháng đầu năm 2022, huyện Nậm Pồ tiến hành tuyên truyền 24 buổi với 1.035 lượt người tham gia; tổ chức tuần tra rừng 72 buổi với 562 lượt người tham gia. Huyện cũng chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện thực hiện rà soát các vị trí để cắm biển báo tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng được 1.800 biển tam giác cấm chặt phá rừng, 1 bảng báo hiệu cấp dự báo cháy rừng và 15 bảng tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, huyện cho in và phát hành 15.000 tờ rơi, một mặt bằng tiếng phổ thông và mặt còn lại bằng tiếng Thái hoặc tiếng Mông về nội dung quản lý và bảo vệ rừng, phát đến từng hộ gia đình trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, như: Hạt Kiểm lâm, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng video clip, hình ảnh tuyên truyền kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng, trên loa phát thanh…

Song song với đó, huyện Nậm Pồ phát huy vai trò tích cực của 121 tổ dân vận cơ sở trong việc tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2021 - 2022 cho 121 bản trên địa bàn 15 xã với 6.510 hộ gia đình tham gia. Để có thể giao trách nhiệm cụ thể, huyện Nậm Pồ đã rà soát xong và công bố kết quả khoanh vẽ, lấy ý kiến vào phương án giao đất, giao rừng là 6.283,66ha, dự kiến giao cho 176 chủ rừng; trong đó: 81 chủ rừng là cộng đồng dân cư, 93 chủ rừng là hộ gia đình.

Tìm ra nguyên nhân chính cho việc phá rừng là người dân gặp khó khăn về sinh kế, các cơ quan chuyên môn của huyện Nậm Pồ làm đầu mối, kết nối với các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại có khoảng trên 3.000 lao động trên địa bàn đã đi làm ở ngoài huyện. Cùng với đó, huyện có ý kiến với các doanh nghiệp trên địa bàn, khi tuyển dụng ưu tiên người địa phương để họ có việc làm, mang về thu nhập cho gia đình. Huyện cũng chú trọng vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với khoảng 500 người sẽ được đào tạo trong năm 2022.   

Việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn cũng là một giải pháp để giải quyết việc làm cho người dân. Hiện trên địa bàn huyện có 2 công ty: Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp Công nghệ cao Điện Biên và Công ty Cổ phần Mắc ca Tây Bắc đang triển khai trồng mắc ca trên địa bàn. UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo phát triển cây mắc ca phối hợp với 2 công ty trên và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, vận động người dân chấp thuận chủ trương trồng cây mắc ca và chủ trương thành lập hợp tác xã mắc ca trên địa bàn các xã: Nà Khoa, Nậm Nhừ, Na Cô Sa, Phìn Hồ, Si Pa Phìn. Tính đến nay, đã rà soát, đo đạc được 470ha (xã Si Pa Phìn 350ha; xã Nà Khoa 120ha); thành lập được 1 hợp tác xã mắc ca thí điểm tại xã Si Pa Phìn…

http://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      157 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.077.282
      Online: 10