Điện Biên có diện tích rừng lớn, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng. Những năm qua đã có một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng bước đầu mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, tỉnh đã đề ra những chiến lược và có những chính sách để nhân rộng các mô hình, thu hút đầu tư phát triển kinh tế dưới tán rừng bền vững.

Người dân xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) thu hoạch thảo quả.

Tiềm năng lớn

Tỉnh ta có 407.030,3ha đất có rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,66%. Loại đất dưới tán rừng là đất mùn, phù hợp để phát triển cây dược liệu quý. Hiện nay, dưới tán rừng có rất nhiều loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như: Thảo quả, ba kích, sa nhân, sâm ngọc linh, tam thất, đương quy, hà thủ ô...

Tuần Giáo là huyện tiên phong trong lĩnh vực phát triển kinh tế dưới tán rừng. Tận dụng lợi thế về rừng, điều kiện khí hậu thuận lợi, những năm qua UBND huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền các xã đưa vào thử nghiệm và phát triển một số giống dược liệu quý như: Thảo quả, sa nhân, ba kích, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu trồng dưới tán rừng tự nhiên. Đồng thời, huyện có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc, dược liệu quý có giá trị kinh tế cao của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu. Đến nay, toàn huyện có 206,1ha cây sơn tra phân bố tại xã Tỏa Tình, Tênh Phông, trong đó 80ha cho quả ổn định, sản lượng 452 tấn, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 30 - 60 triệu đồng/ha. Cây sa nhân có 180ha phân bố tại các xã: Tỏa Tình, Phình Sáng, Rạng Đông, Ta Ma. Diện tích cho sản phẩm 65ha; sản lượng đạt 18,16 tấn; hiệu quả kinh tế bình quân 50-100 triệu đồng/ha/năm. Cây thảo qua 83,5ha tại xã Tênh Phông; sản lượng quả tươi 80 tấn (20 tấn khô); hiệu quả kinh tế đạt 50-100 triệu đồng/ha/năm.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Đến nay, có thể nói chủ trương phát triển các loại cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp tại phương là phù hợp. Bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng truyền thống. Phát triển kinh tế dưới tán rừng đã và đang mở ra hướng phát triển mới trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp cho người dân trên địa bàn.

Xã Tênh Phông có 2.126,46ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 2.105,5ha, là điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Tận dụng lợi thế về diện tích rừng và trữ lượng rừng lớn, những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã tập trung trồng và mở rộng diện tích thảo quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thêm thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Ông Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông cho biết: “Hiện nay, diện tích thảo quả của xã vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Do đó những năm tới, xã Tênh Phông tiếp tục xác định phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là hướng đi mới. Xã sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư, lồng ghép để hỗ trợ người dân mở rộng thêm diện tích cây thảo quả.”

Từ năm 2016, huyện Nậm Pồ đã đầu tư các dự án trồng thử nghiệm cây sa nhân dưới tán rừng tại các xã: Nậm Khăn, Chà Tở, Pa Tần... Đến nay, diện tích cây sa nhân đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên, mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định cho người dân. Nhận thấy trồng sa nhân dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế, người dân huyện Nậm Pồ đã tự bỏ kinh phí, mua cây giống và mở rộng diện tích cây sa nhân. Đến nay, toàn huyện có gần 100ha cây sa nhân, tập trung ở các xã: Chà Nưa, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần. Một số diện tích đã cho thu hoạch, thu nhập bình quân trung bình đạt 40 - 50 triệu đồng/ha/năm.

Tập trung phát triển bền vững

Phát triển kinh tế dưới tán rừng đang được tỉnh ta xác định là hướng đi phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nhiều đề tài, dự án, mô hình bảo tồn, phát triển cây dược liệu được triển khai làm cơ sở nhân rộng quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh ta xác định tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là phát triển kinh tế dưới tán rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những địa bàn vùng cao, vùng sâu. Đảng bộ các huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch hành động về phát triển kinh tế rừng.

Để thực hiện hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế rừng, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, cơ chế, lồng ghép với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Đặc biệt là đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến khảo sát, triển khai các dự án phát triển kinh tế rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Song song với thu hút đầu tư và cơ chế thông thoáng của tỉnh, cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương đã và đang phát huy nội lực để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Tiêu biểu là huyện Tuần Giáo đã tập trung phát triển trên 2 khu vực phù hợp với cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu là xã Tênh Phông và Pú Xi. Đây là 2 xã có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, là nơi còn nhiều diện tích rừng tự nhiên, lớp thảm mục dày với diện tích rừng có thể trồng sâm khoảng 1.776ha tại xã Tênh Phông và 3.356ha tại xã Pú Xi. Tại xã Tênh Phông đã có 1 số hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và 1 số cây dược liệu có giá trị. Đến nay đã phát triển được 10.550 cây sâm từ 2 - 4 tuổi (trong đó: Sâm Ngọc Linh: 5.550 cây; sâm Lai Châu: 5.000 cây) và 17.000 cây (đa phần là sâm Ngọc Linh) 1 tuổi, đang ươm trong bầu, chuẩn bị đưa ra trồng. Ngoài ra, xã Tênh Phông còn phát triển thêm 12.500 cây tam thất, 5.500 cây bảy lá 1 hoa (Thất diệp nhất chi hoa).

http://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      165 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.079.749
      Online: 7