Để giữ được màu xanh cho những cánh rừng, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã xác định phải dựa vào cộng đồng. Bởi giữ được rừng cũng ở dân, mất rừng cũng do dân và bảo vệ, phát triển rừng cũng để phục vụ đời sống của nhân dân. Nhờ huy động được sức mạnh của tập thể, cộng đồng mà thời gian qua, công tác bảo vệ, phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức người dân được nâng lên rõ rệt; qua đó góp phần hạn chế các vụ vi phạm liên quan đến rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng một cách bền vững.

Cộng đồng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà họp bàn, thống nhất nội dung trước khi tuần tra, bảo vệ rừng.

Bản Pa Có, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) được giao quản lý, bảo vệ hơn 400ha rừng. Phần lớn hộ dân trong bản đều là đồng bào dân tộc Thái với phong tục, tập quán sinh sống trong những ngôi nhà sàn gỗ. Đó là một nét văn hóa về nhà ở của người Thái nhưng việc giữ rừng càng quan trọng hơn nên vì thế dân bản đã không còn chặt phá rừng bừa bãi để lấy gỗ làm nhà hay lấy đất làm nương. Không chỉ bảo vệ tốt diện tích rừng được giao bản Pa Có còn trồng được hơn 5ha rừng, chủ yếu là vối thuốc, dổi và thông. Bản Pa Có đã trở thành một trong những điển hình về phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng.

Dẫn chúng tôi tham quan khu rừng bản được giao quản lý, bảo vệ, ông Khoàng Văn Dương, Trưởng bản Pa Có bày tỏ: “Người dân bản Pa Có bao đời nay sống gắn bó với rừng, bởi họ hiểu được rằng rừng rất quan trọng, rừng là của bà con, rừng bảo vệ đời sống hằng ngày cho người dân. Vì vậy, trách nhiệm bảo vệ rừng không của riêng ai và chúng tôi đã xây dựng hương ước với những việc làm cụ thể để bảo vệ rừng tốt hơn. Qua đó mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, chăm sóc rừng chu đáo như một tài sản chung của cả cộng đồng mà không ai có quyền xâm phạm”.

Để thuận tiện cho việc tuần tra rừng, bản Pa Có đã họp bản và thống nhất mỗi hộ cử một thành viên cùng hợp sức mở các tuyến đường phục vụ tuần tra bảo vệ rừng. Dù khó và mất nhiều thời gian, công sức nhưng bà con xác định được hiệu quả lớn của việc làm này nên hiện nay, toàn bộ những tuyến tuần rừng chính của bản đều đã đi được bằng xe máy. Khi có đường đi lại, tổ bảo vệ rừng sẽ tiết kiệm thời gian, công sức trong khi tuần tra. Nhất là khi có sự cố như cháy rừng hay có đối tượng xấu xâm phạm đến rừng, bà con có thể nhanh chóng có mặt ở hiện trường để giải quyết. Nói về việc làm đường tuần tra, ông Thùng Văn Kính, bản Pa Có chia sẻ: “Khi bản, chính quyền địa phương cần chúng tôi để làm đường tuần tra rừng hay bất kể công việc gì để bảo vệ rừng, anh em luôn sẵn sàng bỏ ngày công thực hiện, tất cả cũng vì mục đích bảo vệ rừng, lợi ích của dân bản thôi. Ai phát hiện có đối tượng xâm hại đến rừng đều báo cho trưởng bản và cấp trên để xử lý. Ngoài bảo vệ rừng bà con cũng mua cây về trồng rừng, góp thêm màu xanh cho những cánh rừng”.

Cũng nhờ phát huy được sức mạnh của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà bản Háng Pu Xi, xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) đã được lựa chọn làm mô hình quản lý bảo vệ rừng bền vững. Sự tích cực trong ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của dân bản được thể hiện qua những việc làm cụ thể. Ông Mùa A Chống, Bí thư Chi bộ bản Háng Pu Xi, xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) cho biết: “Bản có quy định chung là không phá rừng làm nương, không chặt gỗ lung tung, nếu có mục đích rõ ràng mới cho lấy, không cho phá rừng bừa bãi. Để bảo vệ, quản lý rừng, bà con phải tuần tra theo lịch cứ 1 tuần sẽ đi rừng tuần tra 1 lần để phát hiện người vi phạm, giải quyết kịp thời, không cho xâm hại đến rừng…”.

Việc quản lý, bảo vệ rừng nhờ cộng đồng đã và đang trở thành một trong những phương thức quản lý rừng phổ biến, hiệu quả trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương trong cả nước. Thực tế thời gian qua, cộng đồng các thôn, bản đã quan tâm, chú trọng đến công tác giữ rừng thông qua việc ban hành các quy định, quy ước của từng thôn, bản. Bên cạnh việc thống nhất, xây dựng các quy định cụ thể nhằm đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi công bằng cho các thành viên trong cộng đồng; các cộng đồng còn phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng người cũng như mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến công tác giữ rừng ở cộng đồng…

Ông Lường Văn Chung, Trưởng bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, cho biết: Trước kia, diện tích rừng trong bản do 2 bản: Nà Hỳ 1 và Nà Hỳ 2 quản lý, bảo vệ. Thế nhưng, đến nay 2 bản đã tách ra thành 3 bản thì các bản vẫn cùng bảo vệ chung và thống nhất sẽ cắm mốc hết các chỗ giáp ranh để các bản khác không đến xâm canh. Rừng là tài sản chung của cả 3 bản nên chúng tôi sẽ cùng nhau bảo vệ thật tốt; đồng thời phải thống nhất, chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp, cách làm phù hợp để bảo vệ rừng cũng như cùng nhau phối hợp tuần tra, phòng cháy chữa cháy rừng...

Các cộng đồng thôn, bản đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều mô hình bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng đã huy động được sức mạnh của toàn dân, mang lại hiệu quả một cách thiết thực; góp phần quan trọng vào việc bảo vệ rừng bền vững, mang lại nhiều giá trị tích cực cho đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

http://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      156 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.073.073
      Online: 5