Hiện nay, huyện Tủa Chùa có hơn 21.418,925ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Toàn huyện có 356 chủ rừng, trong đó 238 chủ rừng là hộ gia đình, 106 cộng đồng, 12 UBND xã, thị trấn được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng. Tính đến thời điểm này, đã có 287/356 chủ rừng mở tài khoản qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Viettel Pay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các chủ rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa trao đổi, thảo luận nhóm về việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR tại các lớp tập huấn.

Để nâng cao năng lực thực hiện chính sách chi trả DVMTR cho các chủ rừng là cộng đồng thôn, bản trên địa bàn huyện, hơn 100 chủ rừng là cộng đồng thôn, bản được cán bộ Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh truyền đạt các nội dung về chính sách chi trả DVMTR, Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Được hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR; ghi chép sổ tay chi trả DVMTR, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng cung ứng DVMTR và một số chứng từ, mẫu biểu lưu tại thôn, bản; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tiền DVMTR cho các cộng đồng thôn, bản. Các chủ rừng cũng được trao đổi, thảo luận nhóm về việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR; vấn đề ghi chép sổ tay chi trả DVMTR. Qua đó nâng cao năng lực thực hiện chính sách chi trả DVMTR của cộng đồng thôn, bản; kiến thức, kỹ năng của cộng đồng thôn, bản, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; lập thủ tục hồ sơ chi trả DVMTR, thực hiện bộ mẫu phiếu giám sát, đánh giá trong chi trả DVMTR; sử dụng kinh phí chi trả DVMTR hiệu quả, đúng mục đích.

Năm 2021, xã Sín Chải có hơn 3.133ha rừng được hưởng DVMTR với số tiền được chi trả gần 2,1 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 1,6 tỷ đồng được chi trả qua tài khoản ngân hàng. Toàn xã có 10 cộng đồng, 1 hộ gia đình và UBND xã được hưởng dịch vụ môi trường rừng. Trong đó đã mở 10 tài khoản của 10 cộng đồng.

Ông Giàng A Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải cho biết: Việc chi trả DVMTR qua tài khoản có rất nhiều tiện ích như đơn giản hóa thủ tục, tăng cường tính minh bạch, giúp chủ rừng thuận lợi hơn khi nhận tiền, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại và rủi ro cho cả bên chi trả và bên nhận tiền. Tuy nhiên, với những xã vùng cao như Sín Chải việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản gặp một số rào cản như các chủ rừng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, một số chủ rừng không biết chữ. Bên cạnh đó, địa điểm giao dịch của một số ngân hàng còn cách xa các thôn, bản và đường sá đi lại khó khăn.

Thôn Háng Là, xã Sín Chải là một trong những thôn có diện tích rừng được chi trả DVMTR nhiều nhất xã với 522,339ha, tổng số tiền là hơn 352 triệu đồng. Anh Giàng A Chư, đại diện cộng đồng thôn Háng Là cho biết: Trước đây, mỗi lần đến kỳ thanh toán DVMTR, chúng tôi phải ra tận trung tâm xã để nhận tiền. Với số tiền lớn nên khi cầm chúng tôi thấy lo lắng, thiếu an toàn; tuy nhiên từ khi mở tài khoản và được chi trả qua tài khoản ngân hàng chúng tôi đã yên tâm. Ban đầu tôi bỡ ngỡ vì chưa từng sử dụng dịch vụ này, song sau một thời gian sử dụng thì thấy rất tiện ích, tiết kiệm thời gian đi lại. Có việc gì cần dùng thì thôn sẽ họp, thống nhất sử dụng.

Để tiếp tục mở rộng việc chi trả không dùng tiền mặt, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc các chủ rừng trên địa bàn làm thủ tục để mở tài khoản. Đồng thời đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND các xã hướng dẫn, vận động các chủ rừng trên địa bàn có diện tích rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR khẩn trương mở tài khoản để việc tạm ứng và thanh toán tiền chi trả tiền DVMTR thuận tiện và chủ động.

http://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      159 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.077.885
      Online: 18