Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ giúp người dân, các chủ rừng có thêm thu nhập mà còn mang lại nguồn kinh phí để các thôn, bản xây dựng các công trình phúc lợi, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống cộng đồng. Khi chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, bà con, cộng đồng sẽ yên tâm gắn bó với rừng, tập trung quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.

Hệ thống mái tôn nhà văn hóa bản Mường Pồn 2 lắp đặt nhờ nguồn kinh phí chi trả DVMTR.

Cộng đồng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) có gần 60 hộ dân được giao quản lý và chăm sóc 217ha rừng. Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, hàng năm cộng đồng tổ dân phố 2 được chi trả phí DVMTR khoảng 100 triệu đồng. Dù số tiền được chi trả chưa nhiều nhưng tổ dân phố 2 đã trích phần lớn kinh phí dành cho các hoạt động của tổ tuần tra, bảo vệ rừng. Nếu số tiền được chi trả còn dư, cộng đồng phố sẽ họp bàn để sử dụng vào mục đích sửa chữa các công trình công cộng hay mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ cho các hoạt động của tổ dân phố.

Ông Lò Văn Ngoan, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà chia sẻ: “Khi cộng đồng được hưởng tiền DVMTR, tổ dân phố đã tiến hành họp và xây dựng quy ước để sử dụng tiền DVMTR cho hợp lý, trong đó tập trung chủ yếu chi tiền cho tổ bảo vệ rừng để mọi người ý thức, trách nhiệm hơn trong việc giữ rừng. Số tiền đó là tài sản chung nên khi sử dụng vào mục đích gì khác, như: sửa chữa đường bê tông xuống cấp, hay nhà văn hóa, mua sắm thiết bị… chúng tôi đều phải họp bản và thông qua cộng đồng. Khi tập thể nhất trí, tổ dân phố mới được sử dụng để làm các việc đó, nếu không sẽ đưa vào quỹ chung nhằm duy trì các hoạt động của tổ dân phố”.

Việc sử dụng tiền DVMTR của các cộng đồng trên địa bàn xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) trong thời gian qua cũng phát huy hiệu quả rõ rệt. Toàn xã có gần 6.000ha đất có rừng; trong đó, diện tích được hưởng chi trả DVMTR là trên 3.500ha. Nhờ vậy, bình quân, mỗi năm người dân trên địa bàn xã được hưởng trên 3 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR, cao hơn so với nhiều xã khác cùng huyện Điện Biên. Công tác chi trả DVMTR tại xã Mường Pồn được triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định đời sống nhân dân.

Là bản gần trung tâm xã, bản Mường Pồn 2 (xã Mường Pồn) được giao quản lý bảo vệ hơn 900ha rừng. Số tiền được chi trả DVMTR bản đều dành phục vụ các hoạt động quản lý bảo vệ rừng; ngoài ra còn để xây dựng các công trình phúc lợi chung của cộng đồng. Dẫn chúng tôi tham quan nhà văn hóa của bản, anh Quàng Văn Trưởng, Trưởng bản Mường Pồn 2 cho biết: Với diện tích được giao quản lý, bảo vệ hơn 900ha, từ năm 2020 trở về trước, bản đều được chi trả phí DVMTR cho toàn bộ số diện tích trên. Còn từ đó trở lại đây, do những vướng mắc, chưa thống nhất trên bản đồ nên bản chỉ được chi trả DVMTR khoảng 300ha. Với số tiền được chi trả, dân bản đã ổn định cuộc sống hơn; từ đó người dân cũng gắn bó với rừng, ký cam kết khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng được giao. Để sử dụng tiền DVMTR một cách hợp lý, trước đó, chúng tôi sẽ tiến hành họp cấp ủy bản, sau đó họp chi bộ và họp dân; thống nhất sử dụng số tiền hiệu quả. Gần đây nhất, năm 2020, bản đã thống nhất sử dụng số tiền chi trả DVMTR để bắn mái tôn nhà văn hóa (trị giá khoảng 40 triệu đồng); mua sắm xoong nồi, bàn ghế, bát đĩa và tăng âm loa, đài, phục vụ cho các hoạt động của bản. Nhờ vậy, người dân trong bản cũng rất phấn khởi, trách nhiệm với rừng hơn”.

Có thể thấy, lợi ích từ DVMTR không chỉ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn đem lại nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân và xây dựng các công trình phúc lợi của thôn bản. Năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng lần 1, 2 qua tài khoản ngân hàng cho gần 760 chủ rừng. Trong đó, diện tích rừng đủ điều kiện tạm ứng là 186.025ha, với tổng số tiền tạm ứng trên 74 tỷ đồng. Cùng với việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho người dân đúng quy định, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền DVMTR của các cộng đồng.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Những năm qua, việc thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả tích cực, từ đó huy động được sức mạnh cộng đồng trong các thôn, bản, nhân dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cùng với việc từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân, giúp họ thêm gắn bó với rừng. Hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí DVMTR của các cộng đồng. Thực tế cho thấy, số tiền DVMTR các cộng đồng được hưởng chủ yếu phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người dân. Đầu tiên nguồn kinh phí này sẽ dùng để trả công cho các thành viên trong tổ quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng. Một số địa phương, như: Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé… nhiều cộng đồng trên địa bàn đã sử dụng một phần kinh phí nhất định trong số tiền DVMTR được hưởng phục vụ cho việc mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất chung.

Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, cộng đồng thôn, bản đã sử dụng một cách hợp lý nhằm xây dựng nhiều mô hình phát triển sinh kế, xây dựng các công trình phúc lợi và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các gia đình. Khi rừng phát triển đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cộng đồng; từ đó từng bước góp phần vào việc thực hiện thành công chính sách xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

http://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      159 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.077.787
      Online: 10