Giá trị lâm sản và giá trị dịch vụ môi trường rừng ngày càng tăng là sản phẩm thiết thực của những đột phá trong phát triển kinh tế rừng ở tỉnh ta. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế rừng trước đây và hiện nay gặp không ít thách thức và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa.

Ảnh: Rừng tự nhiên tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc có đường biên giới dài, tiếp giáp với hai quốc gia Lào và Trung Quốc; nằm ở thượng nguồn của 3 hệ thống sông chính là sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 954.125 ha, trong đó diện đất quy hoạch lâm nghiệp là 694.753 ha (chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện; dân số trên 61 vạn người, gồm 19 dân tộc sinh sống, phân bố không đồng đều, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự ủng hộ thực hiện của người dân, tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng: Ý thức của người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên; diện tích rừng trồng sản xuất, phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh rừng được tăng lên; số vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng giảm qua các năm; độ che phủ rừng tăng 4,16% (từ 38,5% năm 2015 lên 42,66% năm 2020).

Bên cạnh đó, việc triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển lâm nghiệp trong những năm qua đã góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những thách thức đối với phát triển kinh tế rừng ở Điện Biên trong thời gian qua là không nhỏ; có thể tóm tắt ba nhóm thách thức chính. Đầu tiên phải kể đến vấn đề tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế ngành. Trước đây, chúng ta chưa rõ về con đường phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng và cải thiện sinh kế bền vững. Chưa nhận thức rõ sức sống của kinh tế rừng là chuỗi giá trị vận hành theo cơ chế thị trường. Chưa hình dung rõ nét về mô hình của ngành kinh tế - kỹ thuật tích hợp đa mục đích, tối ưu hiệu quả và ích lợi. Có thể nói, đây là thách thức không dễ vượt qua trong quá khứ, là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra "độ trễ" của các chính sách trong phát triển kinh tế rừng.

Tiếp đó là rào cản về kinh tế, xã hội và tự nhiên ở vùng rừng núi. Phát triển kinh tế rừng thường diễn ra ở nơi chậm phát triển, khó tiếp cận, yếu cả về thế và lực. Từ vùng núi, vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm thị trấn, thị tứ và thị xã, thành phố đều chịu nhiều sức ép nảy sinh trong quá trình phát triển nông thôn và đô thị hóa. Các hiện tượng bất lợi và dị thường của thiên nhiên cùng với suy thoái tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu cũng là thách thức lớn và lâu dài cho phát triển kinh tế rừng.

Thách thức thứ ba là hiệu quả của phát triển kinh tế rừng chậm được biểu hiện trong khi tính bền vững thường mong manh và rủi ro khá cao. Năng suất rừng trồng còn thấp, hiện chỉ đạt bình quân 15-18 m3/ha/năm. Lợi nhuận từ rừng sản xuất trồng keo, bạch đàn và một số cây trồng khác với tuổi khai thác 6-8 năm chỉ đạt 7-12 triệu đồng/ha/năm, chưa tính đến chi phí có thể gây ra suy thoái đất, giảm đa dạng sinh học. Nhiều trường hợp giá thành cao hơn giá bán, nên không có lãi. Chuỗi giá trị lâm sản còn yếu về tiềm lực, thấp về hiệu quả, lỏng về liên kết và bất cân bằng về lợi ích. Công nghệ chế biến lâm sản còn hạn chế, cơ cấu thị trường lâm sản chưa hợp lý. Một số loại dịch vụ môi trường rừng chưa được khai thác thành nguồn thu cho đầu tư phát triển rừng như thị trường hấp thụ các bon.

Ảnh: Mô hình trồng dứa xen canh cây lâm nghiệp tại xã Pú Nhung,huyện Tuần Giáo

Để định hướng và giải pháp phát triển kinh tế rừng bền vững hiện nay ở Điện Biên, trong thời gian tới cần phát huy giá trị kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp của rừng. Tăng diện tích rừng trồng, vì đây là nguồn nguyên liệu quan trọng của chuỗi giá trị lâm sản trong tỉnh và thị trường lâm sản tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích rừng trồng sản xuất trồng thêm 650ha, trồng rừng phòng hộ tăng thêm so với hiện nay khoảng 750 ha. Sự hiện diện của rừng trồng, đặc biệt là rừng trồng gỗ lớn, cao sản, chu kỳ dài cũng tạo ra nguồn thu quan trọng từ dịch vụ môi trường rừng hoặc từ các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản theo phương thức tích hợp giá trị đã tạo thu nhập và công ăn việc làm cho trên 4.600 chủ rừng. Rừng tự nhiên được định hướng là tiếp tục đóng cửa trong thời gian tới, nhưng phát huy giá trị kinh tế của loại rừng này thông qua bảo tồn có khai thác, tức là giữ lại cây gỗ, nhưng khai thác lâm sản ngoài gỗ và dịch vụ môi trường của loại rừng này.

Nói tóm lại, giá trị kinh tế của từng loại rừng sẽ được khai thác với hình thức và mức độ ưu tiên khác nhau, nhưng điểm chung là các giá trị đó đều được tích hợp và được tối ưu hóa trong mỗi khu rừng. Phát triển kinh tế rừng là phát triển kinh tế tổng hợp. Tạo thu nhập từ rừng gắn với quá trình làm cho rừng tốt hơn và ngày càng thể hiện rõ các giá trị cốt lõi của nó, là triết lý căn bản. Phát triển kinh tế rừng nhằm tạo ra cả "thị trường lâm sản" và "thị trường hệ sinh thái"… là quy luật phát triển kinh tế thị trường của ngành kinh tế lâm nghiệp./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      157 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.077.473
      Online: 469