Hiện nay, trên địa bàn tỉnh diện tích đất có rừng là 423.129.17 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến hết năm 2023 đạt 44,01%. Thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng huy động lực lượng xử lý ngay khi có cháy rừng xảy ra.

 Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 44,01%.

Từ năm 2021, tỉnh ta đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin cháy rừng, phối hợp huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 28/6/2021; theo đó, tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Chỉ huy về phòng cháy, chữa cháy rừng do đồng chí lãnh đạo UBND làm Trưởng ban, lực lượng Kiểm lâm là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ huy ở các cấp; tại các thôn, bản sẽ thành lập các Tổ, Đội PCCCR. Khi có cháy rừng xảy ra, tùy theo mức độ cháy, lực lượng và phương tiện chữa cháy sẽ được huy động theo từng cấp; nếu cháy lớn trên diện rộng vượt qua kiểm soát của cấp dưới sẽ báo cáo, thông tin, đề nghị cấp trên huy động, tăng cường lực lượng, phương tiện chữa cháy.

Công tác giao đất, giao rừng được sự quan tâm của UBND tỉnh qua các giai đoạn nên diện tích đất lâm nghiệp có rừng cơ bản đã được giao, rừng đã có chủ. Từ năm  2008 đến nay, phối hợp nghiệm thu chi trả dịch vụ môi trường rừng cho trên 3.300 chủ rừng trên địa bàn, với tổng số tiền chi trả là 1.850 tỷ đồng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tăng nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hàng năm, UBND cấp huyện, xã và lực lượng Kiểm lâm đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng, các cộng đồng dân cư trên địa bàn xây dựng và thực hiện phương án PCCCR; củng cố, kiện toàn các Tổ (Đội) bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở, phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng thành viên để triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 1.231 tổ đội PCCCR cấp thôn, bản với 12.794 thành viên, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại địa bàn.

Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, giúp người dân gắn bó với rừng.

Bên cạnh đó, Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, tích cực vận động các tổ chức, cộng đồng, cá nhân và hộ gia đình thực hiện bảo vệ rừng, khoanh nuôi, phục hồi rừng, trồng rừng tạo nhiều mô hình vườn rừng, đồi rừng và những tập thể, cá nhân tham gia phong trào bảo vệ rừng đã được hình thành và thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, triển khai có hiệu quả công tác PCCCR và quản lý lâm sản tại cơ sở, bước đầu đã tạo ra nguồn thu nhập chính từ nghề rừng. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng độ che phủ rừng của toàn tỉnh từ 36,20% năm 2010 lên 44,01% năm 2024 (tăng 7,81%, tương đương 74.000 ha rừng).

Lực lượng Kiểm lâm đã ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, như: sử dụng công nghệ viễn thám để hỗ trợ theo dõi biến động rừng, truy xuất lịch sử khu rừng, xác định thời điểm phá rừng; tổ chức cài đặt ứng dụng FRMS mobile 4.0 trên thiết bị cá nhân của công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn tại 128/128 đơn vị cấp xã có rừng để phục vụ công tác khảo sát các vị trí có biến động tăng, giảm rừng ngoài thực địa; sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm của Cục Kiểm lâm; trang bị, sử dụng có hiệu quả thiết bị bay Flycam để tuần tra rừng, đánh giá hiện trạng rừng, phát hiện vi phạm; lắp đặt 03 biển cảnh báo cháy rừng hoàn toàn tự động. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chuyên môn cũng được trang bị hiện đại: như Flycam; trang thiết bị PCCCR; ô tô, máy tính cấu hình cao; bảng cảnh báo cháy rừng tự động..., để phục vụ nghiệp vụ tổng hợp, theo dõi diễn biến rừng và đất rừng, đảm bảo cơ động nhanh trong tổ chức các đợt truy quét cá nhân, tổ chức phá hoại rừng, buôn bán lâm sản trái phép theo tinh thần Chỉ thị số 1685/2011/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biết: Với nhiệm vụ chính là tham mưu cho UBND các cấp thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, thực thi pháp luật và là lực lượng chuyên trách trong PCCCR. Lực lượng Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu trong chiến lược phát triển vốn rừng theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo và tổ chức thực hiện tổng hợp các biện pháp kỹ thuật trong khoanh nuôi phục hồi rừng; phân cấp cụ thể các loại rừng, thống kê phân loại hiện trạng tài nguyên rừng hàng năm; tham gia thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong công tác PCCCR, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, bảo vệ tốt diện tích những khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu./.

https://nhandan.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH