Qua 12 năm thành lập (2012 - 2024) Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã góp phần rất lớn vào công cuộc bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Điện Biên. Thông qua chính sách chi trả DVMTR công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm thiểu việc xâm hại rừng, ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới.

Xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ, phương án đã được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt; tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, phối hợp với các đơn vị chủ rừng được hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR); thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng đúng mục đích, hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng… nên đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, thông qua công tác chi trả DVMTR, cộng đồng đã có thu nhập ổn định. Đời sống người dân, nhất là người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cải thiện rõ rệt.

Quỹ BV&PTR Điện Biên phối hợp với NH chính sách chi trả tiền DVMTR cho người dân xã Tùa Thàng, huyện Tủa Chùa tham gia bảo vệ rừng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã thanh toán tiền DVMTR năm 2023 cho chủ rừng đạt 96%. Trong đó thanh toán tiền DVMTR cho 198 chủ rừng các năm trước đủ điều kiện chi trả trên địa bàn tỉnh với số tiền trên 4 tỷ đồng, thanh toán tiền DVMTR năm 2023 cho chủ rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên 121 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, chi trả DVMTR đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng quan tâm. Nhiều hoạt động, hình thức, biện pháp tuyên truyền đã được triển khai phù hợp, thiết thực có hiệu quả với từng nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh. Kịp thời xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR làm cơ sở thanh toán tiền DVMTR hàng năm theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, bảo đảm chủ rừng sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đúng mục đích, đúng hạng mục chi theo quy định, trong 6 tháng đầu năm đơn vị tổ chức 18 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ rừng là cộng đồng thôn bản thực hiện chính sách chi trả DVMTR, hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR, ghi chép sổ tay, sổ tuần tra bảo vệ rừng cho các đại diện chủ rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông với 548 học viên tham gia.

Chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã mang lại những tác động tích cực, công tác quản lý bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến. Việc thực hiện chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao đời sống, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở các địa bàn dân cư, nhất là các khu vực nông thôn miền núi, khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, tập huấn cho các chủ rừng tại huyện Điện Biên.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết: Những năm qua, chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực, toàn diện đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tạo bước ngoặt đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tạo ra cơ chế tài chính mới, tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí cho các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng và UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, thông qua việc thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sử dụng DVMTR, như nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp…

Có thể khẳng định chính sách chi trả DVMTR là chính sách đúng đắn, góp phần tăng thu nhập cho người dân trực tiếp bảo vệ rừng và phù hợp với thực tiễn công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện chính sách đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân ở vùng sâu, vùng xa được Nhà nước giao đất, giao rừng hoặc tham gia bảo vệ rừng thông qua hình thức nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Người dân được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từ đó góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Trong thời gian tới, để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục đi vào cuộc sống, mang lại kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên, ông Tâm, cho biết thêm: Để nguồn tiền DVMTR trở thành động lực cho cuộc bảo vệ và phát triển rừng hiện có, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đồng thời, đôn đốc các chủ rừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR theo quy định; tăng cường khoán diện tích rừng cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn quản lý bảo vệ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, đẩy nhanh việc giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn quản lý.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng nội dung công tác tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền để các tổ chức, chủ rừng là cộng đồng dân cư, nhóm hộ, hộ gia đình hiểu, nắm bắt kịp thời các chính sách về chi trả tiền DVMTR nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng từ đó huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng thường xuyên.

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chặt phá rừng, rừng bị xâm phạm. Theo đó, số vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp giảm theo từng năm; ý thức, vai trò, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư được nâng lên.

https://www.congluan.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH