Những năm qua, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng nhanh chóng, chính xác và kịp thời của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã góp phần tạo sinh kế bền vững cho các chủ rừng, người dân từ đó công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã ngày càng phát triển bền vững, những cánh rừng đã ngày càng thêm xanh.

Nâng cao đời sống người dân

Để thấy rõ được hiệu quả từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ở Điện Biên trong thời gian qua, chúng tôi đến xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) là địa phương đã được nhận tiền DVMTR trong những năm qua và được ông Lỳ Phì Cà - Bí thư Đảng ủy xã Sen Thượng cho biết: Người dân chúng tôi vốn có tập quán lên rừng phát nương làm rẫy nhưng từ ngày được Đảng, Nhà nước tuyên truyền về việc bảo vệ  - giữ rừng, chặt phá cây rừng là vi phạm phát luật, việc Nhà nước “đóng cửa rừng” sinh kế của bà con chúng tôi gặp nhiều khó khăn… nhưng 10 năm qua chúng tôi đã nhận được tiền DVMTR từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả, các hộ gia đình ở xã Sen Thượng như đã có “sinh kế” mới. Giờ đây chúng tôi đã hiểu chỉ có giữ rừng thì đời sống bà con mới ấm no. Năm 2023, nhiều hộ gia đình trong xã Sen Thượng đã có thu nhập cao như ở bản Tả Ló San có thu nhập 115 triệu/hộ, bản Pa Ma cũng được 123 triệu/hộ…

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên để chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng; Trong ảnh là các chủ rừng ở xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) được nhận tiền chi trả DVMTR. (Ảnh Quỹ BV&PT rừng Điện Biên)

Anh Lý Phu Cà đại diện cho 26 hộ gia đình ở bản Tả Ló San (xã Sen Thượng) cho hay: Những năm qua tiền DVMTR đã làm “đổi đời” cho người dân ở bản chúng tôi. Giờ đây mọi nhà trong bản chúng tôi đã đều đã có xe máy, ti vi… từ tiền DVMTR. Cùng với việc được các ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn giữ rừng, trên 10 năm qua chúng tôi lại nhận được tiền từ DVMTR bà con phấn khởi lắm nên giờ đây nhận thức của tôi và người dân trong bản cũng đã thay đổi “có rừng là có tất cả, còn không có rừng là không có nước, không cấy được lúa và không có tiền”.

Ông Trần Xuân Tâm - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Điện Biên cho biết thêm: Từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, công tác bảo vệ và phát triển rừng ở xã Sen Thượng nói riêng và các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung đã có sự chuyển biến rất tích cực. Chính quyền các địa phương đã có thêm nguồn lực để rà soát, bổ sung quy định nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng; các cộng đồng thôn, bản đã có thêm điều kiện hỗ trợ bà con sinh kế, củng cố các tổ, đội bảo vệ rừng, mua sắm dụng cụ phục vụ tuần tra bảo vệ rừng, kiểm soát và PCCCR… từ đó đã hạn chế tình trạng phá rừng làm nương.

Những năm qua, từ nguồn kinh phí DVMTR, người dân ở các thôn, bản cũng đã tự nguyện trích hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình phục lợi (đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa…) nhằm phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt của bà con, từ đó đã góp phần quan trọng trong hoàn thành các tiêu chí thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Góp phần giữ màu xanh cho rừng

Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đang thực hiện việc chi trả DVMTR cho 4.851 chủ rừng cung ứng DVMTR, trong đó có 5 chủ rừng là tổ chức; 1.017 chủ rừng là cộng đồng; 3.780 chủ rừng hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ; 44 UBND cấp xã được giao trách nhiệm quản lý rừng; 5 tổ chức khác.

Bà Đặng Thị Thu Hiền – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho hay: Trước khi có chính sách chi trả DVMTR, việc bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên gặp nhiều rất khó khăn, hàng năm người dân phá rừng tràn lan, xảy ra nhiều vụ cháy rừng... Nhưng từ năm 2011 việc chi trả DVMTR được triển khai, từ đó người dân, các chủ rừng đã ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ và giữ rừng. Giờ đây quyền lợi của các chủ rừng, người dân đã được gắn chặt với việc bảo vệ rừng.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chính sách chi trả DVMTR cho các chủ rừng xã Nậm Lịch và xã Mường Lạn (huyện Mường Ảng). Ảnh (Quỹ BV&PT rừng Điện Biên)

Trong quá trình hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã luôn chủ động triển khai, thực hiện, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR, từ đó nhận thức của người dân, chủ rừng đối với công tác quản lý và bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Tiền DVMTR được giải ngân chi trả kịp thời 2 lần/năm, chi trả không dùng tiền mặt thông qua ngân hàng… đã tạo thu nhập “bền vững” cho người bảo bệ rừng.

Để làm tốt công tác chi trả DVMTR cho đúng chủ rừng, hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã luôn bám sát các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Hội đồng quản lý Quỹ… Từ đó chủ động phối hợp với các sở, ngành; Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn nhằm rà soát các chủ rừng đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR để chi trả.

Ở Điện Biên, diện tích rừng được chi trả DVMTR đa phần ở vùng sâu, vùng xa, nơi đa số đồng bào các dân tộc có nguồn thu nhập chính từ nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy việc được chi trả DVMTR là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành Lâm nghiệp, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

Nguồn thu từ DVMTR có vai trò rất quan trọng đối với các chủ rừng, người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên, vì vậy trong quá trình hoạt động từ Ban Giám đốc đến cán bộ, nhân viên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan (Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương; các Công ty thủy điện, Công ty nước sạch trên địa bàn) để tiếp nhận và đôn đốc các cơ sở sử dụng DVMTR nộp tiền đúng hạn. Ngay sau đó Quỹ đã tiếp tục triển khai công tác chi trả DVMTR nhanh chóng và kịp thời cho các chủ rừng trên địa bàn.

Có thể thấy rằng chính sách chi trả DVMTR ở Điện Biên những năm qua đã không những giúp giảm gánh nặng lên ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mà còn huy động được nguồn lực lớn cho công tác bảo vệ rừng, nâng tổng số hộ dân tham gia trực tiếp vào bảo vệ rừng ở Điện Biên lên hơn 95.000 hộ. Giờ đây những cánh rừng ở Điện Biên đã ngày một thêm xanh, bởi có đóng góp tích cực từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên./.

https://tapchinongthonmoi.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      165 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.081.935
      Online: 16