Tỉnh Điện Biên đã và đang nỗ lực không ngừng để thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Không đứng ngoài cuộc, tập thể viên chức, người lao động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (Quỹ tỉnh) nỗ lực, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đơn vị “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng và Kế hoạch số 34/KH-SNN về việc Triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Sở Nông nghiệp và PTNT năm 2023; tập thể Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên nêu cao tinh thần nỗ lực, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số bằng những hành động thiết thực như:

Đầu tiên, Ban lãnh đạo Quỹ tỉnh triển khai rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị; đưa ra giải pháp cụ thể để nâng cấp, hoàn thiện các trang thiết bị công nghệ thông tin, tiện ích như hệ thống mạng Internet, Trang thông tin điện tử Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh…; Tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, thông tin đến viên chức, người lao động Quỹ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trong viên chức, người lao động về Chuyển đổi số. Cùng với đó trang bị máy tính kết nối Internet cho 100% viên chức, người lao động Quỹ để thực hiện trao đổi công việc chuyên môn và tra cứu thông tin, rút ngắn thời gian xử lý công việc; quán triệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý công việc: Sử dụng hiệu quả việc xử lý công việc trên Hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành TD-iOffice trong hoạt động của cơ quan, triển khai thực hiện chữ ký số, chứng thư số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành việc gửi, nhận và sử dụng văn bản điện tử.

Văn thư Quỹ xử lý văn bản trên Hồ sơ công việc.

Tiếp tục phối hợp với các Ngân hàng và chính quyền địa phương đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các chủ rừng được giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm 2023 đến nay đã có thêm 209 chủ rừng mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả DVMTR, lũy kế đến ngày 27/4/2023 số chủ rừng đã mở tài khoản là 3.624/4.888 chủ rừng. Việc thực hiện thanh toán tiền DVMTR qua tài khoản Ngân hàng cho các chủ rừng đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, giảm số lượng cán bộ trực tiếp tham gia chi trả, tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo an toàn trong quá trình chi trả. Thói quen của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến rõ rệt qua việc mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả DVMTR, từ việc sử dụng tiền giấy chuyển sang thanh toán điện tử, một yếu tố tiên quyết của một nền kinh tế số mà nước ta đang hướng tới.

Bên cạnh đó, Quỹ tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong xác định diện tích rừng và lưu vực chi trả DVMTR; khai thác hệ thống thông tin chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Điện Biên chạy trên phần mềm v5PFES để phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng... góp phần làm cơ sở phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin xác định diện tích rừng và lưu vực chi trả DVMTR; với mục đích cung cấp thông tin, số liệu chi trả đến chủ rừng và các đơn vị có liên quan một cách thuận tiện nhất, Quỹ tỉnh thường xuyên cập nhật số liệu chi trả (diện tích rừng, đơn giá, số tiền chi trả DVMTR chủ rừng nhận được…) lên trang Thông tin điện tử Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên. Các chủ rừng, đơn vị có liên quan có thể chủ động tra cứu thông tin ngay trên các thiết bị di động thông minh (Smartphone) hoặc máy tính.

Song song với các hoạt động trên, một trong những điểm sáng của hoạt động chuyển đổi số được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng áp dụng là việc huy động lực lượng Đoàn viên thanh niên Quỹ tiên phong, đi đầu trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn viên chức, người lao động trong đơn vị nói riêng, người dân, người thân xung quanh nói chung thực hiện chuyển đổi số.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, với lợi thế nhiều đoàn viên thanh niên trẻ, đa dân tộc. Vì vậy, đoàn viên thanh niên Quỹ chính là lực lượng nòng cốt trong tiền trình chuyển đổi số của đơn vị. Thực hiện Công văn số 25-CV/ĐKTN ngày 11/4/2023 của BCH Đoàn Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh về việc Triển khai các kế hoạch, phong trào về chuyển đổi số;  Chi đoàn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tập trung cài đặt và hỗ trợ viên chức, người lao động Quỹ cài đặt, kích hoạt ứng dụng tài khoản định danh điện tử VneID, ứng dụng “Điện Biên Smart”, App “Địa chỉ số”, đăng ký tài khoản trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Đoàn viên Chi đoàn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hướng dẫn cài đặt kích hoạt ứng dụng tài khoản định danh điện tử VneID.

Để có thể tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi số, đồng chí Tòng Anh Tú - Bí thư Chi đoàn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết, được sự nhất trí, quan tâm của Ban lãnh đạo Quỹ, chi đoàn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng  sẽ tăng cường hơn nữa nâng cao nhận thức, năng lực số, chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin của đoàn viên thanh niên trong đơn vị. Ngoài ra, chi đoàn Quỹ sẽ thường xuyên chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm của các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện chương trình chuyển đổi số.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH