Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/9/2010, nay là Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 đang triển khai trên địa bàn huyện Mường Nhé được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên cơ sở tăng thu nhập từ rừng…

Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/9/2010, nay là Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 đang triển khai trên địa bàn huyện Mường Nhé được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên cơ sở tăng thu nhập từ rừng…

Tuần tra, kiểm tra rừng trong lâm phần Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có tổng diện tích 46.730,51 ha thuộc ranh giới hành chính các xã biên giới: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè. Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong năm 2022, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé tiến hành lập hồ sơ, triển khai khoán diện tích cung ứng DVMTR gần 25.000 ha cho 1.921 hộ gia đình trên địa bàn 5 xã của huyện Mường Nhé. Mức chi trả dự kiến người nhận khoán sẽ được nhận trên 800.000 đồng/1ha. Như vậy, nếu mỗi hộ nhận quản lý, bảo vệ 10 - 20 ha rừng, bình quân mỗi năm có thêm thu nhập khoảng từ 8-16 triệu đồng.

Ông Mào Văn Them trưởng bản Phiêng Kham xã Mường Nhé cho biết: Từ khi được Ban quản lý KBTTN Mường Nhé giao cho cộng đồng bản quản lý lâm phần rừng đặc dụng theo hợp đồng thuê khoán bảo vệ rừng, mọi người dân trong bản đều ý thức giữ rừng và có trách nhiệm trong cộng đồng bản hơn. Cộng đồng bản Phiêng Kham chúng tôi bảo vệ 228,84 ha thuộc tiểu khu 149, khoảnh 12, thuộc phân khu phục hồi sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Trong năm 2022 bản Phiêng Kham chúng tôi sẽ được nhận hơn 180 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, số tiền này chúng tôi đã họp và thống nhất chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng và một phần để phục vụ hoạt động chung của cộng đồng, bà con trong bản ai cũng phấn khởi, đồng lòng nhất trí. Ngay sau khi ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, bà con trong bản trên cơ sở quy ước, hương ước bảo vệ rừng được xây dựng từ trước, thường xuyên tổ chức thành các tổ, nhóm cùng với lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Là một tổ chức ký hợp đồng nhận bảo vệ rừng với Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Ban Chỉ huy quân sự xã Mường Nhé hợp đồng bảo vệ diện tích 287 ha rừng đặc dụng thuộc địa bàn xã Mường Nhé. Ông Khoàng Văn Ngọc, Xã đội trưởng cho biết, từ nguồn thu bảo vệ rừng với Khu bảo tồn, đơn vị ông có thêm nguồn để trả công đi tuần cho dân quân tuần tra biên giới kết hợp với công tác tuần tra, bảo vệ rừng. 

Kiểm tra, xác minh diện tích rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.

Điện Biên là tỉnh với diện tích có rừng 412.350 ha, tỷ lệ che phủ đạt 42,96% trong đó 403.001 ha rừng tự nhiên và 78.041 ha rừng trồng 9.350 ha. Từ những con số này, chính sách chi trả DVMTR được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Điện Biên, bởi đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Phan Anh Sơn, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh là đơn vị ủy thác thực hiện chi trả gián tiếp phí của bên sử dụng DVMTR đến với bên cung ứng DVMTR, đảm bảo kịp thời, đầy đủ đúng quy trình. Việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng cũng góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng thôn bản, hộ gia đình trong việc phối hợp với chủ rừng để bảo vệ rừng. Việc chi trả phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu, kế hoạch hoạt động bảo vệ rừng cụ thể và mức chi trả hợp lý. Rừng tự nhiên trên địa bàn đang được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, tổ chức khác và giao cho cộng đồng thôn, bản, địa phương quản lý, bảo vệ. Năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ký kết thêm 02 hợp đồng uỷ thác chi trả DVMTR với các đơn vị sử dụng DVMTR nội tỉnh mới đi vào hoạt động. Tổng thu tiền DVMTR đạt 266,306 tỷ đồng, vượt 0,7% so với kế hoạch; tổng chi 290,646 tỷ đồng, trong đó chi trả cho chủ rừng 274,840 tỷ đồng. Ông Sơn tin tưởng, với việc triển khai chi trả phí DVMTR đang được thực hiện không riêng ở địa bàn huyện Mường Nhé, mà ở tỉnh ta  sẽ góp phần mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đây cũng là một cách chia sẻ lợi ích để triển khai tốt công tác quản lý, bảo vệ tận gốc và phát triển rừng bền vững.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH