Chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMTR) là nguồn tài chính ổn định, bền vững, không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn góp phần xây dựng nhiều công trình, mua sắm trang thiết bị phục vụ cộng đồng trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Ngoài sự chủ động từ các chủ rừng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm giám sát, hướng dẫn kịp thời cho bà con sử dụng hiệu quả nguồn tiền DVMTR, phục vụ mục đích chung của cộng đồng.

Trưởng bản Phung kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng và chiếc máy tính xách tay mới mua bằng tiền DVMTR.

Bản Phung, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) lập quỹ bản từ số tiền DVMTR. Theo lý giải, do số tiền chi trả DVMTR nhận về hàng năm không lớn, trong khi dân số bản lại đông, nếu chia đều cho mỗi hộ thì rất nhỏ nên cả bản thống nhất sử dụng nguồn kinh phí ấy thành lập quỹ bản, phục vụ các nhu cầu chung của cộng đồng. Nhằm đáp ứng nhu cầu cập nhật và lưu trữ thông tin của bản, thông tin về hoạt động sử dụng tiền DVMTR, bản Phung đã thống nhất mua chiếc máy tính xách tay. Chiếc máy tính còn phục vụ các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và hoạt động văn hóa, văn nghệ của bản. Từ nguồn tiền DVMTR được nhận, bản đã đầu tư, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng; giúp bà con đi lại thuận lợi, đồng thời góp phần tô đẹp diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Dẫn chúng tôi tham quan một số trang thiết bị mới mua sắm phục vụ mục đích chung của bản, anh Lò Duy Thiểm, Trưởng bản Phung rất phấn khởi. Anh Thiểm tâm sự: “Mới đầu khi chưa có tiền DVMTR, dân bản vẫn còn tình trạng xâm hại rừng, công tác bảo vệ chưa được chú trọng song nhờ được tuyên truyền, vận động, ý thức của bà con nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là khi có tiền DVMTR, được đầu tư một số công trình công cộng, bà con thấy được hiệu quả, lợi ích thiết thực của việc bảo vệ rừng. Để dùng tiền DVMTR sao cho hợp lý nhất, chúng tôi tổ chức họp bản thống nhất phương án sử dụng số tiền nhận được vào mục đích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, phải dành phần lớn kinh phí cho việc tuần tra, quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, như vậy càng có nhiều diện tích rừng xanh tốt, càng được nhận nhiều tiền DVMTR hơn!”.

Để chính sách chi trả DVMTR phát huy hiệu quả, trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền trong thực tiễn của các chủ rừng; có như vậy mới đảm bảo được mục đích, ý nghĩa của chính sách. Ông Lò Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Cang cho biết: Khi có tiền DVMTR, UBND xã chỉ đạo các bản thành lập các tổ chi trả DVMTR và yêu cầu bà con mở tài khoản tại ngân hàng CSXH. Như vậy sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch và giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho cả bên chi trả và bên nhận tiền. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn kinh phí từ DVMTR cũng được chúng tôi chỉ đạo cán bộ xã, kiểm lâm địa bàn giám sát để việc sử dụng tiền theo đúng quy định…

Tương tự bản Phung, bản Ngúa (xã Quài Tở), bà con cũng sử dụng tiền DVMTR để xây một số kè chắn lũ ở nơi ruộng có nguy cơ cao bị lũ cuốn. Mỗi kè chắn lũ, bản phải đầu tư đến 20 triệu đồng, đều được xây dựng bằng nguồn DVMTR. Từ đó, càng thấy được giá trị thiết thực của việc sử dụng tiền DVMTR đầu tư làm các công trình phúc lợi nhỏ tại cộng đồng. Nếu không có nguồn kinh phí ấy, việc san nền nhà văn hóa bản, sửa chữa công trình thủy lợi nhỏ, đường giao thông nội bản; điện thắp sáng công cộng… phải huy động nhân dân đóng góp.

Ông Trịnh Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Tở chia sẻ: Đối với việc sử dụng tiền DVMTR, UBND xã cũng hướng dẫn bà con, hướng dẫn cộng đồng sử dụng đúng mục đích. Các công trình nhỏ trong bản, mua thiết bị phục vụ hoạt động cộng đồng cũng như một số bản sử dụng mua nền nhà văn hóa và làm một số công trình phụ ngoài vốn Nhà nước hỗ trợ, chính quyền xã đều phải giám sát chặt chẽ. Ngoài việc trích một phần chi cho hoạt động của các tổ bảo vệ rừng, khi cần chi cho việc khác, các chủ rừng đều xin ý kiến và có sự thống nhất từ cộng đồng và những việc như thế cũng được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ngoài việc mang lại nguồn thu, phục vụ nhu cầu cần thiết trong đời sống sinh hoạt và sản xuất, nguồn kinh phí từ DVMTR đã giúp nhiều bản đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, cộng đồng thôn bản ở huyện Tuần Giáo. Thực tế không dễ dàng huy động sự đóng góp của từng hộ dân để đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, đường giao thông nội bản, điện thắp sáng công cộng; vì đa phần nhân dân còn khó khăn về kinh tế… Chính vì vậy, việc sử dụng hiệu quả tiền DVMTR để đầu tư làm các công trình phúc lợi nhỏ tại cộng đồng là cách làm tối ưu và thiết thực nhất để các địa phương tháo gỡ khó khăn trong phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới.

http://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      165 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.084.945
      Online: 21