Như bao bản nghèo trong xã và cũng như bao bản nghèo trong huyện, bản Phình Sáng hình thành khi mấy gia đình người H’Mông từ các nơi khác di cư đến trên hành trình tìm nơi nương náu.

Người dân bản Phình Sáng xác định khu vực rừng khoanh nuôi bảo vệ trên sơ đồ.

1/Khi bản thưa người, cây cổ thụ ngay sân nhà thì đàn ông H’Mông ở Phình Sáng cứ ngày ngày “kéo cưa lừa xẻ” ở nhà mình. Sau rồi cây to trong bản không còn nên mỗi năm qua người ta phải đi thêm một quãng, một quãng, để đến bây giờ rừng đã cách xa bản vài cây số.

5 giờ chiều một ngày hè tháng 6, bóng đêm đã sà xuống như muốn ôm trọn các bản nghèo ở thung lũng Phình Sáng. Thào A Giáo - Trưởng bản Phình Sáng (xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) với tay bật liền hai bóng đèn trong ngôi nhà nhỏ của mình mà ánh sáng chẳng rõ mặt người. Đưa mấy cái ghế ra trước thềm nhà, Thào A Giáo chưa vội ngồi mà chờ người nhà sắp đủ ghế cho mọi người trong đoàn anh mới an tâm ngồi xuống, chậm rãi kể chuyện giữ rừng ở bản Phình Sáng hôm nay.

Thào A Giáo tâm sự: “Không biết có phải do bản năng sinh tồn và kỹ năng tộc người hay không mà đàn ông H’Mông ở đây đi rừng giỏi lắm. Mà gỗ ở đây là gỗ nghiến quý hiếm chứ không phải gỗ thông thường như các nơi khác, bởi thế mà đến tận bây giờ Phình Sáng vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” gỗ nghiến ở Điện Biên”.

Nhưng rồi người tứ xứ đổ về thu mua khiến cây nghiến trong rừng ngày càng ít. Người trong bản Phình Sáng dù thuộc đường mòn vào rừng cũng phải đi tới khi chân chùn gối mỏi mới gặp được cây nghiến trên núi đá chênh vênh. Vì thế mà, đến đời bố của trưởng bản Giáo đã chẳng còn vật dụng bằng gỗ nghiến trong nhà. “Mà nếu có thì cũng không giữ được, vì khi nhà hết muối lại tìm cái gì làm bằng gỗ nghiến đem bán hoặc đổi lấy muối, dầu. Ở bản mình, cứ đồ bằng nghiến bán dễ hơn ngô”, Trưởng bản Giáo ngập ngừng nói.

2/Quanh chuyện “thủ phủ” nghiến ngày xưa, cụ bà Giàng Thị Dở - người cao tuổi nhất ở bản Phình Sáng, còn kể cho chúng tôi nghe tường tận hơn về cuộc sống của dân bản Phình Sáng trong những năm tháng giặc tràn về đây đóng đồn lập bốt. Đó là quãng đầu năm 1950, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự đảng tỉnh Lai Châu (cũ) các cơ sở kháng chiến ở Tuần Giáo liên tiếp đấu tranh buộc địch phải tăng cường quân sự để đối phó; địch tổ chức càn quét ác liệt vào các khu du kích của huyện. Lúc này, tàn quân Quốc dân Đảng từ Trung Quốc tràn sang Lai Châu nhiều đã hỗ trợ cho Pháp về lực lượng và phương tiện quân sự, cũng như việc thay đổi cách bố phòng và đóng thêm nhiều đồn bốt, vọng gác trên vùng đồng bào H’Mông, vùng đồng bào Thái; đồng thời bổ sung thêm lính cho các đồn đã đóng trước đây. 

Cuối tháng 2/1950, ở huyện Tuần Giáo có 10 đồn địch với gần 500 lính đóng tại Pú Nhung, Chua Lú, Phiêng Ta Ma… Ngày ngày giặc tổ chức càn, vơ vét hết lương thực của người dân các bản; dân đói khổ phải vào rừng tìm củ mài, củ nâu. Bao năm dài người dân Phình Sáng, Pú Nhung, Ta Ma sống với nỗi sợ hãi, âu lo… Song nhờ có rừng nghiến cổ thụ che chở cho người H’Mông cái ăn vào bụng, che mắt lính giặc không thấy chỗ người H’Mông trốn. Thế nên khi giặc đi rồi, người H’Mông ở luôn trong rừng làm nương, lấy gỗ nghiến bán cho người nơi khác. Mùa qua mùa, người H’Mông đông lên còn cây nghiến lại ít hơn…

3/Chuyện bà cụ Dở như đã chạm đến điều “day dứt” trong tâm khảm dân bản Phình Sáng khiến ông Giàng A Chính, Bí thư Chi bộ bản Phình Sáng không thể ngồi yên nữa. Cất lời dẫn giải, ông Chính bảo, đúng là như vậy đấy. Đúng là từng có thời người H’Mông ở Phình Sáng đốn hạ cây nghiến tràn lan; từng có thời nhà nhà vào rừng khai thác nghiến và cũng từng có thời bỏ nương ngô bởi chỉ bán gỗ nghiến thôi đã đủ sống rồi. 

Nhưng khi cây nghiến ít hơn và cũng là khi chính quyền địa phương thông báo rừng khoanh nuôi bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi chặt phá rừng thì bà con đã hiểu. Cả bản Phình Sáng có 95 gia đình thì cả 95 gia đình đều ký cam kết bảo vệ 539 ha rừng. Để bảo vệ an toàn cho 539 ha rừng, 100% gia đình thuộc bản Phình Sáng đã tự nguyện bỏ nương trong diện tích rừng nhận khoán khoanh nuôi. Cùng với kiểm lâm địa bàn, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuần Giáo, tuần hai buổi dân bản Phình Sáng cử người tham gia đoàn đi tuần tra, bảo vệ rừng.

Tháng 3 vừa qua, đương chính mùa làm nương, bận mải vậy mà mỗi ngày khu rừng 539 ha của bản đều có người trực canh, bảo vệ để không cho người ngoài bản xâm nhập vào rừng. Tháng trước, nhận chỉ đạo từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuần Giáo về việc kiểm đếm cây gỗ nghiến, không ai bảo ai dân bản Phình Sáng đều đăng ký tham gia thành viên tổ kiểm đếm. Diện tích rộng, núi đá cheo leo, sau gần hai tháng triển khai dân bản Phình Sáng đã kiểm đếm được gần 50% diện tích rừng của bản. “Cây to chừng hai người ôm, cây nhỏ đường kính 30 - 50 cm còn nhiều đều được đánh số riêng. Dân bản đồng lòng bảo vệ rừng nghiến như giữ gìn báu vật”, Trưởng bản Thào A Giáo nói thêm.

Sùng A Trống - người con của đồng bào dân tộc H’Mông có gần chục năm cắm xã Phình Sáng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, đã nói: Trong khi người nơi khác tranh giành từng khoảnh nương thì ở đây dân bản Phình Sáng đã đồng lòng bỏ nương trong rừng đã khoanh nuôi bảo vệ. Phải là yêu rừng lắm mới có được quyết tâm ấy đấy, vì đất nương với người H’Mông là nguồn sống, là tài sản truyền trao đời nối đời…

https://nhandan.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      165 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.088.894
      Online: 31