Ngoài các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho đồng bào vùng cao, thời gian qua, từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hằng năm, nhân dân xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đóng góp kiến thiết bản, tái đầu tư phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.

Xã Mường Nhé, những ngày tháng 3 “Mùa con ong đi lấy mật” cũng là mùa hanh, khô người dân vào rừng sản xuất nương, rẫy và tiềm ẩn các nguy cơ cháy rừng, phá rừng. Để hỗ trợ các hoạt động bảo vệ rừng và nâng cao đời sống cho người dân, ngay từ đầu năm, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tạm ứng 02 lần tiền DVMTR năm 2020, với số tiền của 02 lần tạm ứng là 400 nghìn đồng/ha rừng, cho bà con trước tết Nguyên đán. Ông Vi Văn Lưu –Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: “các bản Nậm Là, Nậm San, Co Lót… nhường đất cho việc tái định cư xây dựng thủy điện Sơn La và sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79, đời sống của nhân dân sớm ổn định và phát triển hơn nhiều. Có được điều này một phần quan trọng từ nguồn chi trả DVMTR. Các bản đều xây dựng hương ước, quy ước thống nhất sử dụng, đóng góp một phần số tiền được nhận để thực hiện công việc chung”.

Giống như các bản khác trong xã, mỗi năm nhân dân bản Nậm San trích từ 5% đến 10% trên số tiền chi trả DVMTR nhận được trong năm đóng góp làm quỹ chung để hỗ trợ các hoạt động chung của cộng đồng, mua sắm các công cụ, dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Số tiền còn lại được bản trả trực tiếp cho các hộ gia đình đóng góp ngày công tuần tra, bảo vệ rừng.

Ông Sùng A Xìa – Trưởng bản Nậm San chia sẻ: “Ngoài đóng góp xây dựng bản, từ số tiền bảo vệ rừng được nhận hàng năm trung bình gần 5 triệu đồng/hộ, bà con tái đầu tư phát triển kinh tế. Các hộ chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa tập trung, tham gia mô hình nuôi dê, trồng cây ăn quả, cây lâm sản dưới tán rừng… mang lại nguồn thu ổn định”.

Ảnh: Phối hợp tuần tra rừng của các chủ rừng ở xã Mường Nhé

Xã Mường Nhé, với lợi thế có những cánh rừng lớn và nhiều diện tích phù hợp sản xuất lâm nghiệp, xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các đơn vị chuyên môn của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, lợi ích của rừng, đặc biệt về chính sách chi trả DVMTR. Nhân dân quan tâm, nghiêm túc thực hiện với nhiều việc làm thiết thực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của địa phương. Trong năm 2020 nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng tổng diện tích rừng hiện có lên hơn 11 nghìn ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là trên 10 nghìn ha độ che phủ hơn 51,6%. Toàn xã thành lập và duy trì 14 tổ, đội bảo vệ rừng ở tất cả các bản, với hơn 600 thành viên tích cực tham gia tuần tra, bảo vệ rừng.

Bảo vệ, phát triển rừng mang về cho nhân dân xã Mường Nhé trung bình gần 10 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR mỗi năm. Từ số tiền này giúp các bản xây dựng được nguồn quỹ chung, sử dụng vào hoạt động hỗ trợ tổ tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng nhiều hạng mục phục vụ dân sinh như: đường đi lại, tu sửa đường nước, sửa sang nhà văn hóa… và duy trì phong trào chung của bản. Nhiều hộ đầu tư hiệu quả mô hình phát triển kinh tế gia đình, mang lại nguồn thu ổn định.

Ảnh: Sân nhà văn hóa cộng đồng bản Phiêng Kham được làm từ nguồn đóng góp của nhân dân và tiền DVMTR

Ông Vi Văn Lưu – Chủ tịch UBND xã Mường Nhé chia sẻ thêm: “Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo các bản, hội, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và sử dụng nguồn tiền chi trả DVMTR hiệu quả. Trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, hàng hóa, trồng cây ăn quả có múi… kiểm tra, giám sát sử dụng hiệu quả quỹ chung của cộng đồng từ tiền chi trả DVMTR. Đặc biệt, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ, phát triển, nhân lên màu xanh của rừng, mang thêm những mùa xuân ấm no cho bản làng”./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      159 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.077.691
      Online: 15