Những năm qua, việc tháo gỡ vướng mắc và triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) luôn được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện kịp thời, hiệu quả, chính xác đã góp phần tăng thu nhập, tạo sinh kế, nâng cao năng lực, trách nghiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện khiến công tác chi trả DVMTR gặp không ít khó khăn.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần tăng thu nhập, tạo sinh kế, nâng cao năng lực, trách nghiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như triển khai hoàn thiện các thủ tục liên quan để chi trả tiền DVMTR, ngay từ đầu năm 2023, Quỹ đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị tháo gỡ ngày 02/02/2023 liên quan đến các vướng mắc: Sai khác thông tin giữa quyết định giao với bản đồ giao đất, giao rừng (diện tích, số hiệu lô, khoảnh, trích lục...); thông tin chủ rừng còn một số điểm sai khác và còn thiếu (tên, căn cước,...); chưa bàn giao quyết định, bản đồ giao đất, giao rừng về Quỹ; chủ rừng chưa điều chỉnh sáp nhập, đổi tên theo quyết định của tỉnh; chủ rừng đang tranh chấp, chồng lấn diện tích; chủ rừng chết; chủ rừng chưa mở tài khoản nhận tiền...

Ngoài ra, Quỹ còn thường xuyên tham mưu các văn bản chỉ đạo của Sở, tham mưu cho Sở để báo cáo, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các chủ rừng; tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch làm việc trực tiếp với UBND huyện Điện Biên để tháo gỡ vướng mắc cho các chủ rừng trên địa bàn huyện (ngày 19/4/2023). Trên cơ sở đó, các địa phương đã tăng cường chỉ đạo triển khai tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để các chủ rừng trên địa bàn đủ điều kiện được chi trả tiền DVMTR theo quy định.

Đ/c Trần Văn Thượng - Phó Giám đốc (phụ trách) Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong chi trả tiền DVMTR.

Thực hiện khuyến khích chi trả tiền DVMTR qua tài khoản nhằm đảm bảo tính kịp thời, công khai, minh bạch và hiệu quả trong chi trả và quản lý, sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng; Quỹ đã liên tục đôn đốc, phối hợp với các Ngân hàng hỗ trợ chủ rừng mở tài khoản để nhận tiền chi trả.

Đối với các chủ rừng ở vùng sâu, vùng xa, với số tiền ít, chưa mở tài khoản; trong năm 2023, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện, Hạt Kiểm lâm huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho các chủ rừng đủ điều kiện chi trả nhưng chưa mở tài khoản kết hợp làm thủ tục mở tài khoản trực tiếp cho các chủ rừng trên địa bàn huyện: Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông.

Mới đây, thực hiện Kế hoạch số 375/KH-QBVR ngày 14/9/2023 của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về việc chi trả tiền DVMTR từ năm 2013-2022 bằng tiền mặt và hỗ trợ chủ rừng mở tài khoản trên địa bàn 11 xã/thị trấn thuộc huyện Điện Biên Đông; Quỹ đã tiến hành chi trả tiền mặt cho 104/162 chủ rừng, với tổng số tiền là 123.606 nghìn đồng; đồng thời phối hợp với Phòng giao dịch chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện hướng dẫn, hỗ trợ chủ rừng hoàn thiện thủ tục để mở tài khoản cho 102 chủ rừng là hộ gia đình.

Cán bộ Quỹ BV&PTR chi trả tiền DVMTR bằng tiền mặt cho các chủ rừng tại UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông.

Cán bộ Quỹ BV&PTR phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện hướng dẫn chủ rừng làm thủ tục mở tài khoản nhận tiền chi trả DVMTR tại UBND xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông.

Chính vì vậy, năm 2023, toàn tỉnh đã mở thêm 730 tài khoản cho 730 chủ rừng, nâng tổng số chủ rừng đã mở tài khoản đến nay là 4.115/4.848 chủ rừng, đạt 84,9%. Tổng số tiền DVMTR năm 2022 chi trả cho các chủ rừng là 257.061.114 nghìn đồng; trong đó: Chi trả tiền DVMTR qua tài khoản Ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử 256.847.736 nghìn đồng, chiếm 99,9% so với tổng số tiền; chi trả bằng tiền mặt 213.378 nghìn đồng).

Để tiếp tục tổng hợp và đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy tiến độ, kết quả chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng còn vướng mắc. ngày 01/11/2023, Quỹ đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Báo cáo số 2635/BC-SNN gửi UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố còn tồn tại các vướng mắc, khó khăn để chỉ đạo tháo gỡ.

Trên cơ sở đó, để phối hợp tháo gỡ khó khăn, Ban Điều hành Quỹ đã cử đại diện tham dự Hội nghị họp bàn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Nậm Pồ (ngày 06/11/2023) và huyện Điện Biên Đông (ngày 21/11/2023) do UBND các huyện tổ chức.

Hội nghị họp bàn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Nậm Pồ.

Năm 2023, mặc dù Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh đã rất tích cực, trách nhiệm để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác chi trả tiền DVMTR. Vì vậy, nhiều nội dung vướng mắc, tồn tại trong chi trả DVMTR của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã được tháo gỡ, giải quyết.

Song bên cạnh đó, đến nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Chủ rừng chưa mở tài khoản nhận tiền (Chủ rừng đi làm ăn xa, chủ rừng già yếu, chủ rừng chết, chủ rừng ở vùng sâu, vùng xa,...số tiền nhận được ít); sai khác thông tin giữa Quyết định với bản đồ giao đất, giao rừng và thông tin cá nhân của chủ rừng; chủ rừng còn tranh chấp; chủ rừng có diện tích giao trồng lấn; chưa rà soát, xác định được chính xác danh sách chủ rừng, chưa thành lập được Ban quản lý rừng đối với diện tích rừng của "nhóm hộ", "đồng sử dụng"…

Từ những kết quả đã đạt được trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn năm 2023; trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan và chủ rừng để tiếp tục xử lý, tháo gỡ; đồng thời tiếp tục phối hợp với các Ngân hàng hướng dẫn các chủ rừng mở tài khoản cho các chủ rừng kết hợp với chi trả tiền mặt để thuận tiện trong việc chi trả những năm tiếp theo. Đối với các chủ rừng còn vướng mắc khác, chưa đủ điều kiện chi trả, Quỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để họp bàn tháo gỡ, đồng thời tổ chức làm việc cụ thể với từng địa phương còn nhiều vướng mắc, cũng như tăng cường cử cán bộ phụ trách địa bàn xuống cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng chủ rừng để các chủ rừng sớm được nhận tiền DVMTR, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong diện tích được giao.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH