Những năm qua, huyện Mường Ảng đã xác định việc trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp để góp phần bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân. Bằng việc khuyến khích, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ người dân, thu hút doanh nghiệp trồng rừng, nhất là trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, đến kỳ khai thác, do nhiều yếu tố, rừng sản xuất chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, người dân không mặn mà với việc trồng mới rừng, mong muốn chuyển sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế.
Bài 1: Không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng
Việc trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện Mường Ảng nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó công tác trồng rừng diễn ra thuận lợi, kế hoạch trồng rừng hàng năm của huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, diện tích rừng trồng sản xuất giai đoạn 2016 - 2019 đã đến tuổi khai thác. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng.
Người dân đồng thuận trồng rừng
Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, Huyện ủy HĐND, UBND huyện Mường Ảng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động nhân dân tích cực tham gia trồng rừng. Đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo công tác trồng rừng. Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp xuống cơ sở lắng nghe vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó kịp thời tháo gỡ.
Người dân trên địa bàn huyện Mường Ảng đồng thuận nhận cây giống trồng rừng sản xuất giai đoạn 2016 – 2019.
Đối với hộ tham gia trồng rừng gặp khó khăn về nhân lực, UBND huyện đã chỉ đạo các hội, đoàn thể như: Đoàn thanh niên, dân quân, cán bộ, công chức xã… hỗ trợ trồng rừng. Tính riêng mùa trồng rừng các năm 2016 - 2017 toàn huyện đã huy động 5.650 ngày công hỗ trợ nhân dân trồng rừng, đào đắp hơn 40km đường phục vụ công tác trồng rừng. Nhờ đó, công tác trồng rừng luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đến nay tổng diện tích rừng trồng sản xuất của toàn huyện 1.328,4ha, 100% là cây keo, tập trung địa bàn các xã: Mường Lạn, Búng Lao, Xuân Lao, Ẳng Cang, Ẳng Tở…
Kết quả trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện trong những năm qua đã cho thấy rõ nét sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự chung sức đồng lòng của cán bộ và nhân dân các dân tộc. Nhờ đó Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/HU về “công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Mường Ảng” được thực hiện suôn sẻ, vượt chỉ tiêu.
Đến nay, 1.328,4ha rừng trồng giai đoạn 2016 - 2019 đã đến tuổi khai thác. Một số doanh nghiệp, cá nhân đã đến thu mua, người trồng rừng các xã: Ẳng Cang, Ẳng Tở, Mường Đăng, Mường Lạn khấp khởi niềm vui được hưởng thành quả lao động sau những năm chăm chỉ chăm sóc rừng sản xuất.
Hiệu quả không như kỳ vọng
Gia đình anh Lò Văn Nọi ở bản Co Sản, xã Mường Lạn là một trong những hộ được nhận tiền khai thác rừng trồng nhiều nhất xã đến thời điểm hiện tại.
Anh Nọi cho biết: “Thực hiện chủ trương trồng rừng của huyện năm 2016, gia đình tôi đã trồng gần 2ha cây keo. Đầu tháng 3/2024, gia đình tôi bán cho ông Nguyễn Văn Thủy, thương lái từ tỉnh Sơn La lên thu mua được 16 triệu đồng nhưng họ mới khai thác được khoảng 50% diện tích, còn gần 1ha chưa khai thác. Hiện nay, ông Thủy đã dừng khai thác và đưa phương tiện, máy móc, cân ra khỏi địa bàn”.
Rừng sản xuất sau 8 năm chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng của người dân. Trong ảnh: Tiểu thương từ Sơn La lên thu mua gỗ keo của người dân xã Ẳng Tở.
Anh Tòng Văn Thiên, Trưởng bản Huổi Lỵ cho biết: “Diện tích rừng trồng sản xuất năm 2016 của bản khoảng 12ha, đã đến tuổi khai thác, vừa rồi các hộ dân trong bản đã ký hợp đồng khai thác với cá nhân ông Nguyễn Văn Thủy. Tuy nhiên, mới chỉ khai thác được vài hộ gia đình thì dừng lại, nhà nào nhiều cũng chỉ thu được 16 triệu đồng, nhà ít thì được 7 triệu đồng. Nhà tôi trồng 0,22ha rừng, sau 8 năm mất trắng không được thu vì chờ thời gian khai thác quá lâu, gió làm đổ gẫy, chết cây. Gia đình đành phải thu về làm củi”.
Được biết ông Nguyễn Văn Thủy từ Sơn La lên thu mua gỗ của các hộ dân tại 2 xã (Mường Lạn, Ẳng Cang) với giá 360.000 đồng/tấn gỗ có đường kính từ 6cm trở lên, 170.000 đồng/tấn gỗ có đường kính dưới 6cm. Theo hợp đồng mua bán với các hộ dân, ông Nguyễn Văn Thủy có trách nhiệm khai thác trắng toàn bộ diện tích và vệ sinh rừng sau khai thác. Nhưng hiện nay ông Thủy đã dừng hoàn toàn việc thu mua, khai thác.
Nhiều diện tích rừng keo trồng giai đoạn 2016 - 2019 tại xã Mường Lạn chưa được khai thác.
Trao đổi về hiệu quả kinh tế của việc trồng rừng sản xuất trên địa bàn, ông Tòng Văn Siến, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết: “Tổng diện tích rừng trồng sản xuất giai đoạn 2016 - 2019 trên địa bàn xã khoảng 170ha. Trong đó, diện tích năm 2016 đang khai thác là 51ha. Nhưng đơn vị mới khai thác được khoảng 20ha thì dừng lại, nên xã cũng chưa có cơ sở để đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế”.
Tuy nhiên, chỉ làm phép tính đơn giản là biết việc trồng rừng sản xuất sau 8 năm có hiệu quả hay không. Cụ thể, gia đình anh Lò Văn Diu, bản Huổi Lỵ có 0,56ha trồng rừng, thu được 7 triệu đồng. Như vậy, trung bình thu nhập từ trồng rừng chỉ đạt 875 nghìn đồng/0,56ha/năm, trong khi đó chưa tính công trồng, chăm sóc và tiền hỗ trợ của Nhà nước 10 triệu đồng/ha rừng sản xuất. Trên cùng một diện tích đó nếu trồng sắn trung bình cũng đạt 7 - 10 triệu đồng/năm; trồng cà phê đạt từ 35 - 50 triệu đồng/năm.
Hay trường hợp hộ gia đình ông Cầm Nhân Muôn trồng rừng tại bản Kéo, xã Ẳng Cang trồng 2ha rừng từ năm 2016, có tỷ lệ cây sống đạt trên 70% nhưng sau khi bán cho tiểu thương khai thác gia đình cũng chỉ thu được 40 triệu đồng.
Ông Muôn cho biết: “Mới đầu tôi nghĩ với diện tích rừng của gia đình có mật độ cây tốt chắc cũng phải được trên 100 triệu đồng. Tôi còn nói đùa với anh em chuyến này kiếm được “1 bánh ô tô” rồi. Nhưng khi khai thác, thanh toán chỉ được 40 triệu đồng/2ha. Tính ra trung bình mỗi năm gia đình chỉ đạt 5 triệu đồng/2ha; nếu trồng 2ha cà phê, từ năm thứ 4 trở đi mỗi năm cũng thu được từ 150 - 200 triệu đồng”.
Bài 2: Người dân không còn mặn mà trồng rừng sản xuất