Thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn tăng thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Đặc biệt là việc chi trả kịp thời, đầy đủ tiền DVMTR cho các cá nhân, cộng đồng đã tạo được niềm tin; tiếp thêm động lực để người dân thêm gắn bó, bảo vệ rừng và từng bước nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống.

Người dân cùng với lực lượng giữ rừng Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé, cơ quan chức năng tuần tra bảo vệ rừng.

Tham gia buổi tuần tra bảo vệ rừng với người dân bản Đoàn Kết, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về lợi ích cũng như việc sử dụng tiền DVMTR của bà con dân bản. Hiện nay, cộng đồng bản Đoàn Kết nhận khoán quản lý và bảo vệ hàng nghìn ha rừng của Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé; trong đó có hơn 2.600ha đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR. Thanh toán tiền công chi trả DVMTR năm 2023, bản Đoàn Kết được hưởng trên 2,8 tỷ đồng.

Ông Lỳ Go Ly, bản Đoàn Kết chia sẻ: “Sau 1 lần tạm ứng hơn 1 tỷ đồng, vừa qua, bản Đoàn Kết đã được Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé thanh toán nốt tiền DVMTR năm 2023 với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng nên cả bản, ai cũng phấn khởi. Vì rừng giúp bà con có thêm việc làm, tăng thu nhập nên mọi người càng ý thức và trách nhiệm hơn với rừng. Và việc tuần tra, bảo vệ rừng được bản phân công cụ thể cho từng hộ, nhóm hộ thực hiện thường xuyên hàng tháng để kịp thời phát hiện các vụ việc xâm hại đến rừng”.

Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, công tác quản lý bảo vệ rừng của Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé có nhiều chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé đã chỉ đạo các tổ chuyên trách bảo vệ rừng đặc dụng phối hợp với các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, canh gác tại các cửa rừng để ngăn chặn người và phương tiện ra vào trong rừng đặc dụng, phát hiện kịp thời hành vi khai thác rừng, khai thác lâm sản, phá rừng trái pháp luật... Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2024, trong lâm phần Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé chỉ xảy ra 07 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Những chuyển biến tích cực đó có một phần đóng góp không nhỏ của việc chi trả kịp thời, đầy đủ và chính xác tiền DVMTR cho bà con.

Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng cho nhân dân các bản vùng đệm.

Ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Thực hiện chính sách chi trả DVMTR căn cứ Thông báo số 221/TB-QBVR ngày 20/5/2024 của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng về số tiền chi trả bình quân 01ha rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR lưu vực Sông Đà, Sông Mã năm 2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đơn vị đã ban hành Thông báo số 317/TB-DTMN ngày 23/5/2024 về đơn giá chi trả bình quân trên 01ha và hệ số (K) áp dụng để tính tiền chi trả DVMTR Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé năm 2023. Ngày 04/6/2024, Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé đã thanh toán tiền công bảo vệ rừng cung ứng DVMTR đợt 2 năm 2023 (số tiền còn lại) với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng qua tài khoản của các ban quản lý nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng tại Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé. Ngày 06/6/2024, đơn vị đã ban hành thông báo về việc thanh toán tiền công bảo vệ rừng cung ứng DVMTR năm 2023 gửi đến các nhóm nhận khoán để biết. Cùng với đó, chúng tôi cũng tăng cường đôn đốc 40 nhóm nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện các nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký kết để quản lý và bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

Thông qua chính sách chi trả DVMTR, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các cá nhân, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng từng bước được nâng cao. Để công tác chi trả tiền DVMTR đảm bảo khách quan và chính xác, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thường xuyên kiểm tra, rà soát, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR có biến động trong năm. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR căn cứ vào kết quả theo dõi diễn biến rừng.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả tiền DVMTR cho người dân xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ).

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: Để việc chi trả tiền DVMTR cho người dân kịp thời và chính xác, Quỹ cùng với các đơn vị liên quan đã kiểm tra, rà soát, xác minh diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích rừng kiểm tra 46.308,281ha. Diện tích rừng đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR năm 2023, áp dụng các hệ số K thành phần (K1, K2, K3, K4) theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP là 265.766,79ha; còn lại 75.906,20ha chưa đủ điều kiện chi trả. Từ đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng có cơ sở để chi trả tiền DVMTR cho người dân nhanh chóng và khách quan nhất. Vừa qua, đơn vị đã thanh toán tiền DVMTR các năm trước cho 239 chủ rừng đủ điều kiện chi trả trên địa bàn toàn tỉnh, với số tiền trên 6,7 tỷ đồng. Thanh toán tiền chi trả DVMTR năm 2023 cho 3.979 chủ rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố với số tiền gần 122,1 tỷ đồng…

Việc thanh toán kịp thời tiền DVMTR cho bà con đã góp phần quan trọng nâng cao cuộc sống, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân tham gia bảo vệ rừng và hơn thế là công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ được thực hiện ngày càng hiệu quả hơn. Từ đó đã minh chứng cho tính hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR đối với việc cải thiện cuộc sống của nhân dân cũng như nâng cao ý thức bảo vệ rừng; góp phần thực hiện tốt mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

https://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    PHÁT THANH