Những năm trở lại đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả; rừng được bảo vệ tốt hơn, diện tích rừng trồng mới và độ che phủ rừng tăng lên.
Với 592 nghìn ha đất quy hoạch lâm nghiệp (chiếm 62% diện tích tự nhiên), trong đó diện tích có rừng hơn 419 nghìn ha, Điện Biên được xếp vào nhóm các tỉnh có diện tích rừng lớn. Công tác rà soát, quản lý quy hoạch 3 loại rừng được thực hiện kịp thời, đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác phát triển vốn rừng được triển khai theo định hướng các chương trình phát triển kinh tế nông, lâm, nghiệp, bước đầu hình thành một số sản phẩm lâm sản đặc thù. Cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện, gắn với triển khai chương trình giảm nghèo bền vững, giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từng bước nâng cao đời sống.
Với 592 nghìn ha đất quy hoạch lâm nghiệp (chiếm 62% diện tích tự nhiên), trong đó diện tích có rừng hơn 419 nghìn ha, Điện Biên được xếp vào nhóm các tỉnh có diện tích rừng lớn. Ảnh: Thu Hường
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn còn xảy ra. Công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế chậm tiến độ. Việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa thực sự hiệu quả. Tỷ lệ che phủ rừng tăng nhưng chưa bền vững...
Nguyên nhân chủ yếu do một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa thật sự quan tâm quản lý; thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Năng lực, trình độ của một số cán bộ kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn hạn chế. Việc đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa được quan tâm đúng mức; chưa thật sự khuyến khích được người dân, cộng đồng, các thành phần kinh tế tham gia. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao, việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa triệt để...
Để khắc phục những hạn chế trên, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế cần được các cấp quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa. Ảnh: Thu Hường
Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình và nhân dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước; làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các các cấp, các ngành, lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Các cơ quan, lực lượng chức năng rà soát, tham mưu cho tỉnh bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội, nhất là đối với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh xã hội hóa, hỗ trợ, khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các cơ quan, lực lượng chức năng rà soát, tham mưu cho tỉnh bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Thu Hường
Giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch... Giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh trồng rừng đặc dụng - phòng hộ, rừng sản xuất tập trung, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi tái sinh, bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Điện Biên ghi nhận 2.428 vị trí có biến động tăng với tổng diện tích rừng là 6.164,65 ha. Đây là kết quả rất tích cực, cho thấy diện tích rừng của Điện Biên được bảo vệ ngày càng tốt hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc các chủ rừng tại Điện Biên sẽ được hưởng nhiều hơn lợi ích từ dịch vụ môi trường rừng.