QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên được thành lập theo Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 08/3/2012 của UBND tỉnh Điện Biên, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, theo quy định của Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ Về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Cơ cấu tổ chức bộ máy và điều hành của đơn vị, gồm: Hội đồng quản lý Quỹ, Ban kiểm soát Quỹ và Bộ máy điều hành; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập. Quá trình xây dựng và tổ chức Bộ máy Quỹ được hình thành trên cơ sở các văn bản chỉ đạo như sau:
Quyết định số 397/QĐ-UBND ngày 14/5/2012 của UBND tỉnh Điện Biên về phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên.
Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 06/6/2012 của UBND tỉnh Điện Biên về việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ.
Quyết định 264/QĐ-UBND ngày 29/10/2012 của UBND tỉnh Điện Biên về việc điều động, bổ nhiệm Giám đốc Quỹ.
Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh một số nội của Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 06/6/2012.
Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 24/3/2016 của UBND tỉnh Điện Biên về việc kiện toàn Hội đồng quản lý Quỹ.
Quyết định số 376/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh Điện Biên về việc miễn nhiệm và điều động Giám đốc Quỹ.
Quyết định số 136/QĐ-SNN ngày 23/3/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc điều động và bổ nhiệm phó Giám đốc phụ trách.
Quyết định số 583/QĐ-SNN ngày 16/10/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2018-2020.
Quyết định số 262/QĐ-UBND ngày 06/6/2019 của UBND tỉnh Điện Biên về việc bổ nhiệm Giám đốc Quỹ.
Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 25/3/2020 của UBND tỉnh Điện Biên kiện toàn Hội đồng quản lý Quỹ thay thế Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 24/3/2016.
Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 09/4/2020 của UBND tỉnh Điện Biên Ban hành điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ thay thế Quyết định số 397/QĐ-UBND ngày 14/5/2012.
Trên cơ sở đó, Bộ máy điều hành Quỹ chính thức được hình thành và đi vào hoạt động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay gồm: 01 Giám đốc và 01 phó Giám đốc; 03 phòng nghiệp vụ (Hành chính - Tổng hợp; Kế hoạch - Kỹ thuật; Kiểm tra, Giám sát - Tuyên truyền). Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, gắn với quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, sát sao của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, sự đồng thuận của Cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của Ban Lãnh đạo cùng toàn thể viên chức, người lao động của Quỹ, đã góp phần thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.
NHỮNG THÀNH TỰU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC
Qua 10 năm (2012-2022) triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tác động tích cực, toàn diện đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn người dân ở các cộng đồng dân cư giáp ranh với rừng. Đồng thời, tạo bước ngoặt đối với ngành lâm nghiệp, tạo ra cơ chế tài chính mới, tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí cho các chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, thông qua việc thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sử dụng DVMTR, như nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm. Theo đó, số vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp giảm theo từng năm; ý thức, vai trò, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư được nâng lên; huy động được nguồn lực lớn, thường xuyên cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Điều đáng nói, việc áp dụng chính sách DVMTR trong thực tế đã góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là tổ chức (các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng), UBND các xã, thị trấn được giao quản lý rừng.
Trong giai đoạn 2012-2022, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng ký 17/17 hợp đồng với các đơn vị sử dụng DVMTR lưu vực nội tỉnh gồm 15 nhà máy thuỷ điện, 01 công ty nước, 01 đơn vị sử dụng nước cho công nghiệp và chủ động đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều phối tiền chi trả DVMTR đối với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh; Trong công tác truyền thông đơn vị đã thực hiện ký kết hợp đồng với các cơ, quan, đơn vị truyền thông trung ương và địa phương, tuyên truyền các hoạt động liên quan đến chính sách chi trả dịch vụ môi trường; mở chuyên mục của Quỹ trên các nền tảng số: đăng tin, bài trên trang Thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và PTNT, trang TTĐT Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và các trang Fanpage, Youtube của đơn vị; tổ chức 402 cuộc tuyên truyền với sự tham gia của 12.535 lượt người, 31 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 760 học viên, 76 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR; Thiết kế, in ấn và cấp phát 35.663 lượt các ấn phẩm truyền thông; cắm 319 biển báo tại các khu vực rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng; tổ chức Chương trình “Chính sách chi trả DVMTR đồng hành cùng học sinh đến trường, trao tặng 5.000 ba lô, 110.000 vở học sinh, 4.000 áo khoác cho các em học sinh tại các huyện được chi trả tiền DVMTR.
Tính đến ngày 15/4/2022, tổng số tiền DVMTR mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thu được đạt 1.653,998 tỷ đồng, trong đó: Trung ương điều phối 1.543,110 tỷ đồng, thu nội tỉnh 84,708 tỷ đồng, lãi tiền gửi 26,180 tỷ đồng, đã giải ngân 1.398,563 tỷ đồng, chi trả cho chủ rừng 1.319,612 tỷ đồng; chi quản lý 64,353 tỷ đồng, chi hỗ trợ các chương trình dự án 8,118 tỷ đồng; chi hỗ trợ trồng cây phân tán 6,480 tỷ đồng; chi hỗ trợ trồng rừng thay thế 44,767 tỷ đồng; góp phần bảo vệ trên 393.000 ha rừng cung ứng DVMTR (chiếm gần 96% tổng diện tích rừng toàn tỉnh). Lũy kế đến ngày 15/4/2022 tiến hành mở được 2.711/4.203 tài khoản cho 2.711 chủ rừng.
Năm 2021 thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng được chi trả DVMTR hơn 2 triệu đồng/hộ/năm. Điển hình một số hộ gia đình có mức thu nhập cao như cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được hơn 109 triệu đồng/năm. Huyện Tuần Giáo cộng đồng bản Thẩm Táng, xã Pú Xi bình quân nhận được hơn 44 triệu đồng/hộ/năm). Chính sách chi trả DVMTR đã gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng, đồng thời còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, nâng số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng hàng năm: năm 2019 hơn 75.000 hộ, năm 2020 hơn 85.000 hộ, năm 2021 gần 90.000 hộ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 5 ban quản lý rừng, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, các ban đã tổ chức hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 48.577ha rừng cho 116 cộng đồng thôn, bản với 7.206 hộ dân tham gia nhận khoán. Các thôn bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng sẽ được hưởng dịch vụ môi trường rừng đồng thời, được khai thác lâm sản phụ ngoài gỗ để tạo sinh kế, tăng thu nhập.
Từ nguồn tiền DVMTR nhận được, các hộ gia đình có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế. Còn các cộng đồng dân cư, có nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, cổng chào thôn, nhà văn hóa, sân thể thao, kênh mương thủy lợi, đường điện chiếu sáng… qua đó, hoàn thành được nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ngoài tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức giữ rừng và cải thiện đời sống của người dân, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần bảo vệ môi trường với việc tiếp nhận và giải ngân tiền trồng rừng thay thế. Trong giai đoạn 2012-2022, Quỹ đã giải ngân hơn 44 tỷ tiền trồng rừng thay thế cho 42 dự án, tương đương với 722,48ha diện tích các dự án đã trồng.