Rà soát diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và là cơ sở quan trọng để chi trả DVMTR được thực hiện đảm bảo khách quan, đúng đối tượng. Xác định rõ điều đó, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường rà soát diện tích rừng trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở thực hiện chi trả DVMTR.
Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra rừng ở xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ.
Theo thông tin từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, trong năm, diện tích rừng có cung ứng DVMTR của các chủ rừng thường có sự biến động. Do đó, hàng năm trên cơ sở cập nhật bản đồ chi trả DVMTR từ kết quả theo dõi diễn biến rừng năm trước, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ phối hợp với các chủ rừng và đơn vị liên quan tiến hành rà soát thành 2 đợt: 1 đợt rà soát diện tích rừng tạm ứng vào tháng 9 - 10; 1 đợt rà soát diện tích rừng thanh toán vào quý I năm sau.
Đơn cử năm 2023, thông qua công tác kiểm tra, rà soát, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử cho 3.976 chủ rừng, với số tiền trên 202 tỷ đồng.
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thông báo kết quả rà soát diện tích rừng tới các chủ rừng ở Mường Ảng.
Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Việc cập nhật, xác định diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng được chi trả DVMTR là bước triển khai đầu tiên xác định chi tiết, cụ thể diện tích rừng có cung ứng DVMTR của các chủ rừng. Đây là căn cứ chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng từ bên sử dụng DVMTR một cách chính xác, minh bạch. Kết quả kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR dựa trên kết quả điều tra, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, chi trả DVMTR năm trước liền kề; báo cáo diện tích rừng có cung ứng DVMTR đến thời điểm kiểm tra của địa phương và thực tế kiểm tra, xác định ngoài thực địa. Nhờ đó, diện tích rừng được xác định luôn đảm bảo trung thực, khách quan và chính xác. Công tác kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR hàng năm còn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng cho những tổ chức, đơn vị và người dân được hưởng lợi từ rừng, ngăn chặn các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; góp phần bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chi trả DVMTR ngày càng tốt hơn.
Điển hình như tại xã Mường Tùng, huyện Mường Chà được giao quản lý, bảo vệ gần 4.000ha rừng từ năm 2014. Theo ông Lò Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng, từ khi được Nhà nước giao đất, giao rừng, được nhận tiền chi trả DVMTR, tình trạng chặt phá rừng tại đây đã không còn xảy ra. Nhờ có nguồn tiền ổn định từ chi trả DVMTR, xã Mường Tùng có kinh phí chi trả cho việc tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên. Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho cán bộ xã và người dân địa phương. Cháy rừng cũng được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại lớn về rừng. Hiện nay, toàn xã có 18 chủ rừng, trong đó 9 chủ rừng là cộng đồng, 7 chủ rừng là hộ gia đình và 1 chủ rừng là tổ chức được giao quản lý, bảo vệ trên 9.680ha rừng (tăng hơn 5.000ha so với năm 2014). Điều này chứng tỏ rừng ở Mường Tùng đang được bảo vệ, phục hồi và phát triển tốt.
Nhiều diện tích rừng của xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ được bảo vệ tốt nhờ chi trả DVMTR.
Không riêng xã Mường Tùng, thông qua hoạt động kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh hàng năm cho thấy hầu hết việc quản lý, bảo vệ rừng được các chủ rừng thực hiện khá tốt, diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR năm sau cao hơn năm trước. Từ 261.965,41ha (năm 2013) tăng lên 316.359,86ha (năm 2023), tiền DVMTR được chi trả cũng tăng lên. Bảo vệ rừng tốt và tiền chi trả DVMTR tăng lên đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của các chủ rừng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho công tác tạm ứng tiền DVMTR đợt 1 năm 2024 cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh.