Việc khai thác hiệu quả gỗ rừng trồng sản xuất đang là bài toán cần giải của cấp ủy chính quyền các cấp huyện Mường Ảng. Bởi việc trồng cây keo chưa mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng, doanh nghiệp không thu mua, trong khi hơn 1.200ha keo còn lại của người dân trồng giai đoạn 2016 - 2019 đã đến tuổi khai thác để chuẩn bị cho một chu kỳ trồng rừng mới. Nếu không kịp thời khai thác, cây keo đổ gẫy, chết ngày càng tăng, thiệt hại của người dân càng lớn.

Bài 1: Không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng

Bài 2: Người dân không còn mặn mà trồng rừng sản xuất

Bài 3: Để trồng rừng sản xuất hiệu quả

Nhiều diện tích rừng sản xuất tại xã Ẳng Cang người dân không khai thác vì sợ gẫy cây cà phê.

Đảm bảo quyền lợi người trồng rừng

Về vấn đề khai thác rừng trồng sản xuất, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Đây là nội dung được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Tránh tình trạng mua bán trôi nổi, người dân bị tiểu thương, doanh nghiệp ép giá, UBND huyện, các cơ quan chuyên môn tổ chức đấu thầu lựa chọn các công ty, đơn vị khai thác uy tín, đủ tiềm lực kinh tế, trả giá cao nhất để thực hiện thu mua gỗ. Việc khai thác, thu mua có hợp đồng rõ ràng, các đơn vị thu mua tự nguyện đặt cọc 1 tỷ đồng. Huyện đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về chính sách, thủ tục hành chính và công tác đảm bảo an ninh trật tự cho đơn vị thu mua gỗ trên địa bàn.

Ông Trung cũng cho rằng các đơn vị tạm dừng khai thác vì đang là thời điểm giữa mùa mưa, việc khai thác, vận chuyển gặp nhiều khó khăn, tăng thêm chi phí, nhân công, phần vì giá gỗ tại các nhà máy giảm. Hiện nay, huyện Mường Ảng tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, công ty đủ điều kiện thu mua gỗ cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện về mặt bằng đặt máy móc, nhà xưởng cho các đơn vị thu mua.

Ẳng Cang là xã có diện tích rừng đã được khai thác lớn nhất huyện đến thời điểm hiện tại với khoảng 30ha. Đa số người trồng rừng hiện nay đều có nguyện vọng chuyển sang trồng cây cà phê.  

Ông Lò Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang cho biết: Toàn xã có gần 160ha rừng trồng sản xuất, trong đó diện tích trồng năm 2016 là 48ha đã khai thác được khoảng 30ha. Còn lại là diện tích rừng thưa, một số diện tích có cây cà phê dưới tán rừng nên người dân không đồng ý cho khai thác gỗ. Qua đánh giá sơ bộ trên địa bàn xã thấy việc trồng rừng sản xuất (cây keo) hiệu quả kinh tế không cao được như kỳ vọng. UBND xã đề nghị huyện, các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh diện tích đất rừng sản xuất kém hiệu quả ra khỏi quy hoạch để người dân có đất trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, cây ăn quả.

Diện tích rừng ở Mường Lạn bị khai thác chọn gây thiệt hại cho người trồng rừng.

Đây là bài học không chỉ với chính quyền và người dân các xã trồng gỗ keo trên địa bàn huyện Mường Ảng mà còn đối với các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện triển khai việc trồng rừng sản xuất. Cần phải có khảo sát, đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng ngay từ khi bắt đầu công việc trồng rừng.

Để người dân gắn bó với trồng rừng sản xuất

Anh Tòng Văn Thiên, người trồng keo xã Mường Lạn cho biết: “Cây keo phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, sinh trưởng phát triển nhanh, đặc biệt là ở năm thứ 3, thứ 4. Tuy nhiên sau năm thứ 5 trở ra nếu không kịp khai thác cây hay bị xốp, gẫy ngang thân, dẫn đến thiệt hại cho người trồng.”

Bài toán trước mắt cần giải của huyện Mường Ảng là tìm đầu ra cho hơn 1.200ha rừng keo đã đến tuổi khai thác nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia trồng rừng. Cây keo đã đến tuổi khai thác, càng để thiệt hại càng tăng, trong khi đó chu kỳ trồng rừng mới đang cận kề. UBND huyện Mường Ảng cần có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ tình trạng trên như: Có chính sách trợ giá nhằm nâng cao thu nhập, lấy lại lòng tin của người dân sau 8 năm trồng rừng sản xuất; tạo thêm ưu đãi về chính sách đối với cá nhân, doanh nghiệp thu mua gỗ trên địa bàn như hỗ trợ kinh phí làm đường vào khu vực khai thác...

Về lâu dài, để phát triển kinh tế rừng bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người dân, khiến người dân gắn bó với trồng rừng thì giải pháp tối ưu là phải thực hiện liên kết sản xuất, tạo đầu ra bền vững cho gỗ rừng trồng sản xuất. Cần khảo sát kỹ nhu cầu thị trường gỗ trong và ngoài tỉnh, các khu vực khác, từ đó lựa chọn giống cây gỗ phù hợp với điều kiện địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Người dân xã Mường Lạn tranh thủ trồng sắn có thêm thu nhập sau khai thác rừng sản xuất.

Địa phương cần có chính sách ưu đãi các công ty, doanh nghiệp về gỗ, lâm sản đặt chi nhánh, máy móc nhà xưởng trên địa bàn, góp phần giảm chi phí sản xuất, chi phí phát sinh đi kèm cho doanh nghiệp. Giữa các huyện trong tỉnh cần phối hợp, liên kết hình thành vùng nguyên liệu bền vững đủ để doanh nghiệp duy trì và phát triển lâu dài. Hình thành các hợp tác xã về lâm nghiệp làm đầu mối liên kết sản xuất - tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của người trồng rừng sản xuất.

Cơ quan chuyên môn chủ động nghiên cứu, đưa các loại cây trồng xen trong 2 - 3 năm đầu và các loại cây trồng dưới tán rừng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, phương thức canh tác của người dân địa phương nhằm phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế “vườn - ao - chuồng  - rừng”, phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng đảm bảo người dân sống được nhờ rừng. Qua đó, mới khuyến khích được người dân trồng rừng, gắn bó với rừng.

Thực tiễn kinh nghiệm từ một số tỉnh khu vực Tây Bắc, như tỉnh Yên Bái trồng rừng sản xuất đạt hiệu quả kinh tế là nhờ cơ chế liên kết theo chuỗi giá trị đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến vào địa bàn, gắn với các vùng nguyên liệu gỗ, các hợp tác xã dược liệu.

https://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH