VPUB - Toàn tỉnh hiện có khoảng 70% diện tích tự nhiên là đất nông, lâm nghiệp, trong đó phần lớn diện tích có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển các mô hình trồng cây dược liệu, giúp người dân cải thiện sinh kế dưới tán rừng và làm tốt công tác bảo vệ rừng.
Cây thảo quả đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân bản Há Dùa, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo
Vừa tham gia bảo vệ rừng, vừa trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng gỗ lớn đã mở ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế rừng, tạo sinh kế cho nhiều người dân ở khu vực vùng cao của tỉnh Điện Biên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng hàng năm. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Điện Biên, Nậm Pồ đã phát triển vùng trồng cây dược liệu với tổng diện tích ước đạt 1.250ha. Các loài cây dược liệu được trồng chủ yếu là sa nhân, sơn tra, thảo quả, tam thất, các loại sâm... Những năm gần đây, cùng với việc quan tâm phát triển cây trồng chủ lực (lúa, ngô...), huyện Điện Biên đã và đang triển khai trồng cây dược liệu (sa nhân tím, quế) tập trung tại 4 xã: Mường Pồn, Pa Thơm, Phu Luông, Mường Lói, với tổng diện tích 109,49ha (sa nhân 54,49ha; quế 55ha). Định hướng đến năm 2030, huyện Điện Biên tiếp tục mở rộng 65ha cây sa nhân, trồng dưới tán rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhận thấy huyện Tuần Giáo, là một trong những địa phương có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ các cây dược liệu, tạo nên chuỗi giá trị và mang lại kinh tế cho người dân địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1772/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 về "Phương án phát triển vùng dược liệu quý giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Tuần Giáo". Mục tiêu của giai đoạn 2022-2025 xây dựng, hình thành vùng sản xuất cây dược liệu quý tập trung có chất lượng cao tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo với quy mô khoảng 200-300 ha trồng các cây dược liệu gồm sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, tam thất bắc, hoàng tinh hoa trắng tại các bản: Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa,... gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Giai đoạn 2026-2030 đặt mục tiêu trồng mới thêm khoảng 500-700 ha cây dược liệu, mục tiêu đến năm 2030 toàn xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo có khoảng 700-1.000 ha cây dược liệu.
Thực tế cho thấy, việc phát triển cây dược liệu đã tạo sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp, không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành y học cổ truyền. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung nghiên cứu, tuyển chọn và trồng thử nghiệm, đánh giá, làm cơ sở lựa chọn, nhân rộng các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện nơi trồng, với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Có thể khẳng định, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, giảm nghèo bền vững, làm giàu nhờ rừng, bảo vệ môi trường và giữ rừng. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng./.