Nắng chiều đổ bóng trên những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những cánh rừng xanh ngút ngàn, cùng với nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên môi mỗi con người nơi đây đã tạo nên bức tranh miền biên viễn bình yên đẹp say đắm lòng người. Cuộc sống của người Hà Nhì ở Tả Ló San đang “thay da đổi thịt”, khấm khá lên từng ngày.
Bài 2: Cuộc sống mới nơi biên cương
Giữ rừng như giữ báu vật
Với người Hà Nhì thì rừng không chỉ là "ngôi nhà lớn" che chở cho con người, cung cấp các sản vật mà còn có ý nghĩa linh thiêng liên quan đến đời sống tâm linh. Theo quan niệm của người Hà Nhì, mỗi khu rừng đều có một vị thần trị vì, ban phúc, bảo vệ cho dân bản gìn giữ bảo vệ khu rừng ấy.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng ở đầu bản, chỉ tay về phía đỉnh núi cao nhất khu vực Tả Ló San, ông Khoàng Phu Tư, người dân bản Tả Ló San chia sẻ: “Khu vực đỉnh núi nhô lên như hình quả trám kia là khu rừng thiêng của bản. Các cụ gọi là rừng “Gà ma gà sò”, ở đó có nhiều loại gỗ quý, cây to đến cả 2 người ôm không xuể, được dân bản tổ chức bảo vệ rất nghiêm. Hàng năm vào dịp tháng 3 âm lịch, dân bản chúng tôi lại góp lợn, góp gà, gạo nếp, rượu trắng... tổ chức làm lễ cúng thần linh, thần rừng che chở người dân trong bản có sức khỏe, bình an; mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Từ bao đời nay người Hà Nhì đã có cuộc sống gắn bó với rừng, truyền thống giữ rừng và bảo vệ rừng được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Truyền thống ấy càng được phát huy và nhân lên khi có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi ủy, Chi bộ bản Tả Ló San.
Chi bộ bản Tả Ló San được thành lập từ năm 2012, với 5 đảng viên, đến nay số đảng viên trong chi bộ đã tăng lên 9 đảng viên (trong đó 8 đảng viên là người trong bản, 1 đảng viên là công chức xã tham gia sinh hoạt tại bản).
Ông Lỳ Phu Cà, Bí thư Chi bộ bản Tả Ló San cho biết: “Hàng năm Chi bộ đều xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế của bản, trong đó chú trọng công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Ngoài ra, bản cũng đã xây dựng quy ước, hương ước riêng của bản về bảo vệ rừng. Phân công đảng viên phụ trách tuyên truyền đến người thân, gia đình mình và hộ mình phụ trách không được phá rừng làm nương”.
Bản Tả Ló San có diện tích rừng trên 2.700ha, người dân được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thuộc diện cao nhất tỉnh. Vì thế dân bản coi rừng như báu vật, như nguồn sống của mình. Bản đã thành lập 3 tổ tuần tra bảo vệ rừng, mỗi tổ gồm 9 người, mỗi hộ gia đình cử 1 người tham gia. Các tổ thực hiện tuần tra 2 lần/tháng vào mùa mưa, 4 lần/tháng vào mùa khô, cứ như vậy các hộ trong bản thay phiên nhau.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt của bản cùng với cán bộ Kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản phát nương, đốt nương phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật. Khi đốt nương phải báo với đội tuần tra bảo vệ rừng; bố trí người túc trực không để lửa cháy lan vào rừng; phải phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa tại những vị trí giáp ranh rừng... Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng nên nhiều năm nay, bản chưa có ai vi phạm quy định bảo vệ rừng hay đốt nương cháy lan vào rừng.
Hưởng lợi từ rừng
Người dân Tả Ló San bảo vệ rừng tốt, nên thảm thực vật dưới tán rừng phát triển mạnh, cung cấp nguồn lâm sản phụ đa dạng, phong phú (sa nhân, thảo quả, măng, lá dong, mật ong…). “Mùa nào thức ấy” người dân trong bản đều lên rừng thu hái lâm sản phụ về bán cho các thương lái để tăng thêm thu nhập gia đình từ 15 - 20 triệu đồng/năm.
Từ năm 2011, chính sách chi trả DVMTR được triển khai, người bảo vệ rừng được hưởng tiền bảo vệ rừng, nhờ đó cuộc sống người dân ở Tả Ló San đã khấm khá, đủ đầy hơn. Với diện tích rừng lớn nên cộng đồng bản Tả Ló San được nhận số tiền chi trả DVMTR rất lớn. Năm 2021 bản nhận 2,5 tỷ đồng; năm 2022 gần 3 tỷ đồng...
Anh Pờ Xuân Mười, Trưởng bản Tả Ló San cho biết: “Tiền DVMTR được chia cho các hộ dân trong bản, hình thức chia theo khẩu. Các hộ dân cũng thống nhất trích lại khoảng 10 - 15 triệu đồng từ mỗi lần chi trả vào quỹ chung của bản để thực hiện mua sắm các vật dụng, phương tiện phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, chữa cháy rừng và hỗ trợ cho các thành viên tổ bảo vệ rừng khi làm nhiệm vụ”.
Từ nguồn tiền chi trả DVMTR, người dân bản Tả Ló San đã có điều kiện đầu tư, mua sắm máy móc, nông cụ sản xuất; mua trâu, bò về nuôi tạo sinh kế phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tiêu biểu như gia đình anh Lỳ Phu Cà - chị Lỳ Thò Mé.
Dẫn chúng tôi thăm ngôi nhà mới xây dựng cuối năm 2023 với đầy đủ các vật dụng, anh Lỳ Phu Cà chia sẻ: “Năm 2022, gia đình được nhận gần 100 triệu đồng tiền chi trả DVMTR nên tôi đã xây dựng ngôi nhà mới khang trang. Nhờ có tiền chi trả DVMTR hằng năm mà cuộc sống của gia đình tôi đã khá hơn, mua sắm được hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt, học tập của các con; mua được ti vi, tủ lạnh, xe máy”.
Hay như gia đình anh Chào Sê Chừ - chị Khoàng Xé Pứ trước kia là hộ nghèo của bản, hàng năm vẫn còn thiếu đói. Từ khi được nhận tiền chi trả DVMTR gia đình anh Chừ đã đầu tư mua 4 con trâu, bò về nuôi sinh sản. Nhờ chăm chỉ, chịu khó đến nay đàn trâu, bò của anh đã phát triển lên gần 20 con, gia đình anh Chừ đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của bản. Đợt chi trả tiền DVMTR lần 2 năm 2022, nhận được 60 triệu đồng, anh Chừ đã đầu tư hệ thống nước nóng bằng năng lượng mặt trời phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình và mua ti vi nâng cao đời sống tinh thần.
Chúng tôi rời Tả Ló San khi trời đã về chiều. Trên con đường gập ghềnh đá sỏi, chúng tôi gặp các cán bộ kỹ thuật của Công ty Điện lực đang khảo sát tuyến để đưa điện lưới về với bà con nơi đây. Trong tôi chợt bừng lên một niềm tin, rằng mai đây khi điện lưới quốc gia về, cuộc sống của bà con Hà Nhì miền biên viễn địa đầu Tổ quốc sẽ ấm no hơn, đủ đầy hơn rất nhiều!
Bài 1: Lặng lẽ bám biên