Bằng sự linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện quản lý chuyên môn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Điện Biên đang ngày càng phát huy tốt vai trò là đơn vị tham mưu và triển khai hiệu quả quy trình chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) một cách nhanh chóng, chính xác. Qua đó, góp phần cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng và đóng góp vào sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội ở địa phương.

Điện Biên được xếp vào nhóm các tỉnh có diện tích rừng lớn. Do vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Điện Biên luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống. 

Đến cuối năm 2023 tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên đạt 44,01%. Đây là nỗ lực rất lớn của chủ rừng, cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Bởi thực tế là sau thời gian dài bị sụt giảm diện tích rừng thì khoảng 10 năm trở lại đây, rừng Điện Biên dần được phục hồi, bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, với diện tích rừng hiện có của Điện Biên trải đều các huyện vùng cao biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với thói quen sản xuất, tập quán tín ngưỡng phụ thuộc rừng, một bộ phận người dân do gánh nặng mưu sinh... có thái độ không hợp tác, việc phá rừng làm nương trái phép đã tăng áp lực đến việc quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng.

Giúp người dân gắn bó với rừng

Xác định khó vẫn làm và phải làm bằng được, Quỹ BV&PTR tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, tham mưu giúp Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thu, chi tiền DVMTR và dự toán chi quản lý, triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương. Việc triển khai thực hiện chính sách đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm. 

Ngay từ đầu năm với sự linh hoạt chủ động trong công tác chuyên môn, quỹ đã tích cực phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, UBND các xã kiểm tra, giám sát các diện tích cung ứng DVMTR để kịp thời cập nhật biến động, đôn đốc việc nộp tiền của bên sử dụng DVMTR nên việc thu nộp luôn đạt hiệu quả cao. 

Năm 2024, tổng nguồn thu DVMTR đạt 241,852 tỷ đồng, trong đó từ năm 2023 chuyển sang là 176,326 tỷ đồng; thu năm 2024 (tính đến ngày 30/8/2024) là 65,526 tỷ đồng, đạt 24,9% so với kế hoạch. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Quỹ đã tích cực phối hợp với các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác chi trả tiền DVMTR cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình. Đến ngày 30/8/2024, Quỹ đã thực hiện chi trả cho các chủ rừng với số tiền 140,848 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai, để góp phần tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR đến nhiều đối tượng khác nhau, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng luôn chú trọng đến đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc tuyên truyền được thực hiện đồng thời theo hình thức trực tiếp (tập huấn đến chủ rừng) và tuyên truyền bằng các bài viết, tin, ảnh, phóng sự truyền hình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quỹ còn tổ chức cấp phát hướng dẫn chủ rừng ghi chép, theo dõi trên sổ tay chi trả, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng…

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chú trọng phối hợp với các đơn vị báo chí trung ương và địa phương xây dựng các tin, bài tuyên truyền về chi trả DVMTR.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm qua, chính sách chi trả DVMTR nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh nên bước đầu vừa làm giảm áp lực trong công tác bảo vệ rừng, vừa góp phần thêm thu nhập, tạo sinh kế cho người dân. Điều này được thể hiện ở chỗ, tình hình chặt phá, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể số vụ lẫn mức độ thiệt hại. Qua quá trình triển khai, chính sách chi trả DVMTR đã có tác động tích cực đối với đời sống người dân, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập, qua đó tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh.

Theo ông Sìn Văn Tấn, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông cho biết: “Vợ chồng tôi đã già, không có thu nhập gì khác ngoài trồng trọt, chăn nuôi và trồng rừng. Cuộc sống nông dân vất vả, gia đình tôi có tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Từ khi có chính sách này của Nhà nước, năm nào vợ chồng tôi cũng được nhận tiền chi trả DVMTR, tôi thấy rất phấn khởi. Với số tiền được chi trả cũng giúp chúng tôi trang trải cuộc sống phần nào đỡ vất vả hơn, đầu tư mua thêm giống cây trồng, vật nuôi, phân bón để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến người dân như chúng tôi”.

Bên cạnh việc cải thiện sinh kế cho các hộ, kinh phí từ DVMTR còn được nhiều thôn, bản sử dụng để thực hiện các công trình phúc lợi công cộng như: Xây dựng đường bê tông, công trình nước sạch, thủy lợi, tu sửa nhà văn hóa, trường, lớp học và phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Đổi mới chi trả DVMTR

Đặc biệt, những năm gần đây, Quỹ BV&PTR tỉnh Điện Biên còn đẩy mạnh thực hiện hình thức chi trả tiền DVMTR qua tài khoản thay hình thức thanh toán tiền mặt vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, giảm các thủ tục hành chính, thời gian, chi phí đi lại và rủi ro trong chi trả tiền DVMTR cho cả bên chi trả và bên nhận tiền. Ðể người dân hiểu những tiện ích đó, Quỹ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ rừng trên địa bàn thực hiện hình thức thanh toán chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, thanh toán điện tử. 

Tính đến ngày 30/8/2024, tổng số chủ rừng đã mở tài khoản là 4.368/5.043 chủ rừng, đạt 86,6%. Thực hiện chi trả tiền DVMTR nguồn tiền năm 2023 qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử cho 3.976 chủ rừng với số tiền 126,354 tỷ đồng. Chi trả qua tài khoản đạt 100% so với tổng số tiền DVMTR đã chi trả.

Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nậm Pồ chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng là cộng đồng trên địa bàn xã Chà Cang.

Những thành quả mà đơn vị đạt được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh; sự quản lý, chỉ đạo sát sao của Hội đồng quản lý Quỹ đối với việc thực hiện tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính của Quỹ theo quy định. Bên cạnh đó còn là sự nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể viên chức, người lao động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, cộng đồng thôn, bản đã sử dụng một cách hợp lý nhằm xây dựng nhiều mô hình phát triển sinh kế, xây dựng các công trình phúc lợi và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các gia đình. Khi rừng phát triển đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cộng đồng; từ đó từng bước góp phần vào việc thực hiện thành công chính sách xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong thời gian tới, để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục đi vào cuộc sống, mang lại kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Quỹ sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tăng cường tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR bằng các hình thức khác nhau gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng; kết hợp tập huấn về quản lý, sử dụng hiệu quả tiền DVMTR tại cộng đồng dân cư nhằm giúp người dân cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân sống gần rừng, khuyến khích họ tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR.  

Nhìn lại một chặng đường với những kết quả đã đạt được, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thực sự trở thành cầu nối giữa người cung ứng và người sử dụng dịch vụ môi trường rừng, xứng đáng là “bà đỡ” cho những cánh rừng Điện Biên ngày càng xanh.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH