Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tích cực thực hiện chính sách chi trả DVMTR kịp thời, đúng kế hoạch đến các chủ rừng từ đó có những tác động tích cực đến công tác bảo vệ, trồng rừng và giữ rừng của địa phương.
Cán bộ Kiểm lâm đi tuần tra và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng quản lý Quỹ tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng triển khai, thực thi chính sách chi trả DVMTR. Sau 12 năm tổ chức triển khai và thực hiện, đến nay đã ký kết được 16 hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR nội tỉnh. Cùng với các nguồn lực và thông qua các giải pháp, các hoạt động triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng đồng bộ đã góp phần làm giảm số vụ xâm phạm, phá hại rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép. Tạo ra một cơ chế tài chính mới, ổn định lâu dài đối với người làm nghề rừng. Ngoài việc góp phần bảo vệ rừng tốt hơn, thông qua việc thực thi chính sách, ý thức của người dân dần dần được nâng cao, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Từ những kết quả thực tiễn cho thấy, tiền DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng, bảo vệ tốt hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Kiểm lâm cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức phối hợp với các chủ rừng thực hiện tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm Pháp luật về Lâm nghiệp, tổ chức tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng với 956 buổi và 42.681 người ký cam kết bảo vệ rừng; hướng dẫn các chủ rừng cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng 2.715 phương án phòng cháy, chữa cháy đối với diện tích rừng đã giao; chỉ đạo UBND các xã kiện toàn và công nhận 1.231 tổ đội PCCCR cấp thôn, bản với 12.794 thành viên, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy trên địa bàn; qua đó kịp thời kiểm tra, xác minh 150 vụ cháy gây ảnh hưởng đến rừng.
Công tác kiểm tra, rà soát, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR có biến động, Quỹ Bảo vệ rừng đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR năm 2023 theo kết quả theo dõi diễn biến rừng. Kiểm tra, xác minh diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích rừng kiểm tra là 46.308,281 ha. Tổng hợp diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR năm 2023, áp dụng các hệ số K thành phần (K1, K2, K3,K4) theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, trong đó: Diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2023 là 341.764,7571 ha (Diện tích đủ điều kiện chi trả năm 2023 là 265.814,3462 ha; diện tích chưa đủ điều kiện chi trả là 75.950,4109 ha).
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách chi trả DVMTR của cộng đồng thôn, bản trên địa bàn huyện Điện Biên Đông.
Tính đến ngày 27/6/2024, tổng số chủ rừng đã mở tài khoản là 4.147/5.045 chủ rừng, đạt 82%. Thực hiện chi trả tiền DVMTR nguồn tiền năm 2023 qua tài khoản Ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử cho 3.976 chủ rừng với số tiền 121,983 tỷ đồng. Chi trả quan tài khoản đạt 100% so với tổng số tiền DVMTR đã chi trả.
Đồng chí, Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Phụ trách, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng mới mở tài khoản, đủ điều kiện chi các năm trước; đối với chủ rừng đủ điều kiện chi trả nhưng chưa mở tài khoản tham mưu chi trả bằng tiền mặt. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định diện tích cung ứng DVMTR tạm ứng năm 2024 cho các chủ rừng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR, ghi chép sổ tay chi trả DVMTR, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng cung ứng DVMTR của chủ rừng là cộng đồng và UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả DVMTR.
Chính sách chi trả DVMTR đã khẳng định hướng đi đúng đắn và phù hợp với thực tiễn công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống người dân, tạo lập nguồn tài chính mới ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng./.