Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới ở khu vực Tây Bắc với diện tích tự nhiên 9.540km2, phần lớn là đồi núi cao, là lưu vực đầu nguồn của 3 hệ thống sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông. Diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 là 694.753 ha, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên; giai đoạn 2021 đến nay là 292.269 ha, chiếm 62,1% diện tích tự nhiên; tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2023 đạt 44,01%.
Điện Biên đã chủ động kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, nhất là phát triển các loài cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao (như mắc ca) để từng bước nâng cao giá trị sản xuất trong lâm nghiệp.
Nhận thức về vai trò, giá trị của rừng, tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ rừng, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 02/8/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh để cụ thể hóa quan điểm, nội dung chỉ đạo Chỉ thị của Ban Bí thư và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tổ chức thực hiện, tinh thần, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng lên.
Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được tăng cường, có hiệu quả, góp phần phát hiện sớm, ngăn chặn, giáo dục, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Điển hình từ năm 2017 đến nay, các lượng lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 3.182 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó: Xử lý hình sự 252 vụ; xử lý hành chính 2.930 vụ; các cấp, các ngành đã kiểm điểm, xử lý kỷ luật 9 trường hợp là người đứng đầu chính quyền, đơn vị và 28 công chức, viên chức liên quan đến các vi phạm pháp luật về lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn quản lý.
Đồng thời, tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ được diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hàng năm, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh tăng đều qua các năm, từ 39,1% năm 2017 lên 44,01% năm 2023 (tương đương với diện tích rừng tăng thêm trên 45.000 ha); dự kiến đến hết năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 44,5% và đạt 45,5% vào năm 2025, đảm bảo hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Quan tâm và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực, tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giao đất, giao rừng và đến nay cơ bản đã hoàn thành công tác giao đất, giao rừng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc tập trung tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch giao đất, giao rừng có ý nghĩa lớn đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nói riêng, cũng như công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh nói chung. Từ đó, chấm dứt hoàn toàn việc khai thác chính, khai thác gỗ gia dụng từ rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, hạn chế thấp nhất việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án; chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng.
Việc tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về phát triển lâm nghiệp, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, qua đó đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân sống gần rừng, làm nghề rừng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tổ chức quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hàng năm của tỉnh, thể hiện qua số vụ vi phạm về lâm nghiệp ngày càng có xu hướng giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, quy mô và mức độ thiệt hại (giai đoạn 2017-2022 giảm 566 vụ vi phạm so với giai đoạn 2011 - 2016); người dân tại một số huyện như: Nậm Pồ, Mường Ảng, Tuần Giáo đã chủ động đầu tư phát triển kinh tế bằng việc trồng rừng, trồng các loại cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao...
Cùng với đó, tỉnh đã chủ động kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, nhất là phát triển các loài cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao (như Mắc ca) để từng bước nâng cao giá trị sản xuất trong lâm nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án trồng cây Mắc ca, 2 dự án trồng rừng sản xuất và tổ chức trồng được trên 10.000 ha cây Mắc ca, trong đó diện tích cây Mắc ca đã cho thu hoạch quả khoảng trên 1.000 ha, sản lượng thu hoạch năm 2024 ước tính khoảng 900 tấn quả tươi. Đồng thời, tỉnh quan tâm và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để động viên, khuyến khích người dân hưởng ứng, tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2024, bằng nguồn vốn của các Chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, tỉnh đã tổ chức thực hiện trồng được 2.151 ha rừng sản xuất, trên 1.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, gần 2 triệu cây phân tán các loại; khoanh nuôi tái sinh rừng được 63.349 ha.../.