Chính sách chi trả dịch môi trường rừng (DVMTR) được thực hiện hơn 10 năm tại các tỉnh Tây Bắc đã và đang góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm về việc quản lý, bảo vệ rừng, giúp những cánh rừng Tây Bắc thêm xanh.

Từ xưa cuộc sống của người dân vùng núi Tây Bắc luôn gắn bó mật thiết với rừng. Trồng rừng và bảo vệ rừng là trách nhiệm của mỗi người dân thuộc 20 dân tộc trên các bản làng rộng lớn Tây Bắc. Các tỉnh miền núi Tây Bắc có diện tích rừng lớn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, do vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các tỉnh miền núi Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu) và tỉnh Hà Giang những năm trước rất vất vả. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, khi chính sách chi trả DVMTR được thực hiện, nguồn tài chính này đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội nói chung và người dân sống gần rừng nói riêng trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

Cụm thi đua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh Tây Bắc được thành lập ngày 03/6/2022 gồm các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và tỉnh Hà Giang. Từ ngày 10/7-12/7/2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ đăng cai, tổ chức Hội nghị và Hội thao Cụm thi đua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh Tây Bắc lần thứ III năm 2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Chiều 10/7/2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đăng cai, tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi đua năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Tại Hội nghị, tỉnh Hà Giang và 6 tỉnh Tây Bắc đã chia sẻ những kết quả đạt được trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Hiện nay, 7 tỉnh đã ký kết 361 hợp đồng uỷ thác với các đơn vị sử dụng DVMTR, trong đó có 251 cơ sở sản xuất thủy điện, 36 cơ sở sản xuất nước sạch, 71 cơ sở sản xuất công nghiệp, 3 cơ sở sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Trong năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn thu tiền DVMTR của 7 tỉnh đạt 1.570 tỷ đồng (chiếm 41% tổng nguồn thu tiền DVMTR toàn quốc). Từ nguồn thu này, căn cứ diện tích thực tế đủ điều kiện chi trả DVMTR tại các địa phương, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh đã chi trả kịp thời 1.144 tỷ đồng cho 124.702 chủ rừng. Thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng và giao dịch thanh toán điện tử đạt 99,9%, đảm bảo an toàn, minh bạch trong chi trả tiền DVMTR. Tuyên truyền chi trả DVMTR đến các chủ rừng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã làm thay đổi nhận thức và hành động của chủ rừng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng và giao dịch thanh toán điện tử đạt 99,9%. Ảnh Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội huyện Nậm Pồ chi trả tiền DVMTR cho chủ rừng xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Cũng tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh đã khẳng định: Việc tổ chức triển khai chính sách chi trả DVMTR là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách chi trả DVMTR đã từng bước đi vào cuộc sống của người dân, góp phần tạo nguồn tài chính ngoài ngân sách ổn định phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Nguồn tiền DVMTR được chi trả kịp thời bổ sung nguồn lực cho các chủ rừng có kinh phí bảo vệ rừng. Đồng thời, giúp các chủ rừng, nhất là chủ rừng ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn lực quan trọng cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, yên tâm gắn bó với rừng. Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh trong Cụm thi đua đã ký kết Giao ước thi đua năm 2024 với các nội dung: Thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị; thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức đoàn thể quần chúng của Quỹ trong sạch, vững mạnh; tổ chức, thực hiện tốt các chủ trương, nhiêm vụ công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức và tham gia các hoạt động trong phạm vi của Cụm thi đua.

Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh trong Cụm thi đua đã ký kết Giao ước thi đua năm 2024.

Để chính sách chi trả DVMTR ngày càng phát huy hiệu quả, có thêm nguồn lực khuyến khích chủ rừng, người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh Tây Bắc đã thống nhất đưa ra các giải pháp cụ thể: Tập trung tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR; Thực hiện công tác giải ngân, thanh toán tiền DVMTR đảm bảo theo quy định, tiếp tục thực hiện chi trả tiền DVMTR cho chủ rừng qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch điện tử đảm bảo an toàn trong chi trả DVMTR; Phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan, UBND cấp huyện rà soát, thống kê lập danh sách các đối tượng thu theo quy định. Kịp thời, ký kết hợp đồng ủy thác, triển khai thu tiền DVMTR đối với các đối tượng phát sinh đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại dịch vụ theo quy định. Áp dụng đồng bộ các giải pháp đôn đốc, xử lý vi phạm đối với các trường hợp chây ỳ, nợ đọng tiền DVMTR và trồng rừng thay thế; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để rà soát, xác định diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR đảm bảo việc chi trả đúng đối tượng, đúng diện tích rừng theo quy định. Chủ động phối hợp với UBND các huyện, các cơ quan chuyên môn cấp huyện để rà soát, tháo gỡ, xử lý những vướng mắc liên quan đến hồ sơ chi trả. Tổ chức bảo vệ và phát triển vững chắc diện tích rừng hiện có gắn với nâng cao giá trị của DVMTR để tăng thu nhập cho người dân; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền DVMTR và trồng rừng thay thế để kịp thời phòng ngừa, chấn chỉnh các vi phạm theo quy định của pháp luật; Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện chính sách chi trả DVMTR để từng bước số hoá cơ sở dữ liệu về DVMTR để nâng cao chất lượng theo dõi, giám sát, rà soát xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi chính sách chi trả DVMTR, đảm bảo việc chi trả DVMTR công khai, minh bạch, hiệu quả; Thường xuyên tham gia tích cực các phong trào thi đua trong hệ thống Quỹ. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua tại đơn vị và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, các cá nhân xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Cũng trong khuôn khổ đăng cai Cụm thi đua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh Tây Bắc, Quỹ Điện Biên đã tổ chức Hội thao Cụm thi đua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh Tây Bắc lần thứ III năm 2024. Chương trình Hội thao tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần, động viên khích lệ cán bộ, viên chức và người lao động của các đơn vị trong cụm thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn. Đồng thời, tạo sự đoàn kết, gắn bó và phát động phong trào thi đua sôi nổi giữa các đơn vị trong cụm thi đua và chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.

Từ ngày 11-12/7/2024, Quỹ Điện Biên đã tổ chức Hội thao Cụm thi đua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh Tây Bắc lần thứ III năm 2024.

Tại các môn thi đấu, các đội được chia thành các bảng, thi đấu theo thể thức vòng tròn, tính điểm chọn ra các đội nhất bảng vào thi đấu trận chung kết. Qua 2 ngày diễn ra Hội thao, với tinh thần thể thao đoàn kết, trung thực, cao thượng của các vận động viên, sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên, Hội thao đã diễn thành công tốt đẹp.

Trận thi đấu bóng chuyền hơi giữa đoàn Quỹ Điện Biên và Lào Cai.

Trận thi đấu bóng đá giữa đoàn Quỹ Lai Châu và Sơn La.

Trận thi đấu kéo co giữa đoàn Quỹ Hòa Bình và Lào Cai.

Kết thúc Hội thao, giải nhất toàn đoàn thuộc về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai; giải nhì thuộc về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu; đồng giải ba thuộc về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 2 tỉnh: Điện Biên, Sơn La; giải khuyến khích thuộc về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh: Yên Bái, Hà Giang và Hoà Bình.

Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh trao Cờ giải toàn đoàn cho các đoàn VĐV.

Cụm thi đua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh Tây Bắc được tổ chức hàng năm là một trong những chương trình luôn nhận được sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Cụm thi đua. Các đơn vị trong Cụm có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm và cách làm hay, hiệu quả trong công tác tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành Bộ máy của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đại biểu Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh Tây Bắc đã đề nghị các đơn vị cần tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trực tiếp hoặc trực tuyến trong Cụm thi đua 7 tỉnh Tây Bắc để các đơn vị có điều kiện nắm thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp những cánh rừng Tây Bắc thêm xanh.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Correlative new

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Radio