(Thanh tra) - Việt Nam có khoảng 14,7 triệu hecta rừng, độ che phủ là 42,2%, trong đó có hơn 10 triệu hecta rừng tự nhiên, được đánh giá là có tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon rừng, khi có thể tạo ra khoảng 50-70 triệu tín chỉ carbon rừng mỗi năm, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công.

Đánh thức thành công tiềm năng từ 14,7 triệu hecta rừng sẽ mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Ảnh: TTM

Theo số liệu thống kê của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2023 là 4.130,40 tỷ đồng. Trong đó, 70% là thu từ cơ sở sản xuất thủy điện (2.919,64 tỷ); các nguồn thu khác chiếm tỷ trọng khá thấp như sản xuất nước sạch (121,34 tỷ), sản xuất công nghiệp (43,23 tỷ đồng), kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái (28,64 tỷ đồng), nuôi trồng thủy sản và thu lãi ngân hàng (20,51 tỷ đồng).

Những giao dịch đầu tiên đầy hứa hẹn

Năm 2023, lần đầu tiên tại Việt Nam, lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ Ngân hàng Thế giới là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ cho 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng. Do vậy, nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng đóng góp vào tổng nguồn thu các loại DVMTR là 997,03 tỷ đồng.

Trong số 997,03 tỷ đồng thu được từ bán tín chỉ carbon của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, Nghệ An được giải ngân hơn 282 tỷ đồng, Quảng Bình hơn 235 tỷ đồng, Thanh Hóa 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh 122 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỷ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng. Nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Ước tính có khoảng 25 triệu người, với trên 12 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng, hàng ngày thực hiện hoạt động hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng. Vì vậy, công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng cũng sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh và thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.

Tại một số địa phương, nguồn thu DVMTR rất thấp. Ví dụ, Bắc Giang, năm 2019, nguồn thu DVMTR  chỉ khoảng 1,15 tỷ đồng, trong khi số chủ rừng lại rất nhiều (6.541 chủ rừng), mức chi bình quân cho mỗi chủ rừng là 175.814 đồng/năm, thậm chí, nhiều chủ rừng có mức chi trả dưới 50.000đ/năm.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, xác nhận, tại nhiều địa phương, nguồn thu từ DVMTR rất thấp do không có nhiều đơn vị sử dụng dịch vụ, nhất là các đơn vị sản xuất thủy điện. Việc chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng phụ thuộc vào nguồn thu, nên vì vậy cũng rất thấp.

Việc tạo nguồn thu mới từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon sẽ được các địa phương bổ sung vào quỹ môi trường rừng chi trả cho những người trực tiếp làm rừng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, từ đó đẩy mạnh hơn ý thức bảo vệ và quản lý rừng bền vững.

Theo Cục Lâm nghiệp, hiện nay, thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (ERPA) đã hoàn thành hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ carbon.

Cục đề nghị Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) lựa chọn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam làm trung gian tài chính và điều chỉnh dự thảo ERPA, dự thảo đề án đàm phán ERPA.

Khi thỏa thuận mua bán phát thải chính thức được các bên ký kết, các chủ rừng ở khu vực này sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện sinh kế cho người làm rừng và nguồn lực để tái đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Cần hành lang pháp lý hoàn thiện để biến tiềm năng thành nguồn lực

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ và phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi nguồn tài chính thiếu ổn định và chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Trong khi đó, thị trường carbon đã được cộng đồng quốc tế thúc đẩy như là một trong những cơ chế tài chính hiệu quả để giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ rừng và nâng cao trữ lượng carbon từ các bể chứa carbon khác như đất than bùn và đất ngập nước.

Theo lộ trình phát triển và triển khai thị trường carbon trong nước, đến hết năm 2027 là giai đoạn tập trung xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy định vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025…

Đến năm 2028, sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Trong giai đoạn thí điểm, các ngành, các cơ sở phát thải lớn như thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời nâng cao năng lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thị trường thương mại khi chính thức vận hành.

Để từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các thông tư: 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023; 20/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023; 23/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023; 16/2023/TT-BNN-KL ngày 15/12/2023 và đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP… nhằm tạo thêm cơ sở cho việc thực hiện chuyển nhượng trao đổi carbon rừng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra.

Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp cũng đang đề xuất để thực hiện các đề án, chương trình: Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai; Đề án Đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng hỗ trợ các địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh vùng Tây Nguyên; xây dựng Đề án Kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2024 - 2025... để nâng cao hiệu quả trong công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, cũng như năng lực trong việc thực hiện các hoạt động báo cáo, thẩm định, giám sát. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý, khai thác rừng theo hướng minh bạch, công khai.

Theo nhận định của các chuyên gia, để phát triển thị trường carbon ở nước ta, cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý: Cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường; quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quản lý đồng bộ tín chỉ, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ; hạn ngạch phát thải và phân bổ cho các lĩnh vực, doanh nghiệp; xác định các lĩnh vực, dự án tiềm năng…

Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ nhân sự có đủ năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon. Truyền thông nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.

https://thanhtra.com.vn


Rating:

rating count: , average:



Correlative new

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Radio