Sau hơn 11 năm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên nay là Nghị định số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018. Chính sách này đã dần đi vào ổn định, đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ, đã huy động được nguồn lực xã hội cho việc bảo vệ và phát triển rừng, góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc và thúc đẩy công cuộc xã hội hóa nghề rừng gắn với việc xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi.

Diện tích rừng được bảo vệ tốt xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa.

Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới, nằm ở lưu vực đầu nguồn 3 hệ thống sông là sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông, cung cấp nước cho 3 nhà máy thủy điện lớn của cả nước: Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 953.922,60 ha, diện tích có rừng là 417.344,19 ha (trong đó: diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 415.361,35 ha, diện tích rừng trồng chưa thành rừng 1.982,84 ha), tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2022 là 43,54%, bao gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố; là nơi sinh sống của 19 nhóm dân tộc (Thái, H’Mông, Hà nhì…) với tổng dân số trên 62,5 vạn người.

Giá trị tài nguyên rừng ở tỉnh Điện Biên khó có thể đong đếm vì đây là khu vực rừng đầu nguồn của hệ thống bậc thang của các thuỷ điện nằm trên dòng sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông; là nơi lưu giữ các hệ sinh thái động, thực vật đặc trưng của vùng Tây Bắc; là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hóa của tỉnh. Rừng Điện Biên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời là tư liệu sản xuất quý giá, góp phần quan trọng cho công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Trong những năm qua Chính sách chi trả DVMTR là một chính sách của Chính phủ nhằm khuyến khích các chủ rừng bảo vệ và phát triển rừng bằng cách chi trả cho họ một khoản tiền tương ứng với giá trị của các dịch vụ môi trường mà rừng cung cấp, như bảo vệ nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, hấp thụ khí carbon, du lịch sinh thái…dịch vụ môi trường rừng đã đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đồng bào dân tộc, đặc biệt là những người sống gần rừng và phụ thuộc vào rừng với một số đóng góp cụ thể như sau:

Tạo động lực và tăng trách nhiệm cho các chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giữ vững độ che phủ rừng và cải thiện chất lượng môi trường.

Giám đốc Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, ông Trần Xuân Thắng cho biết, năm 2023 đơn vị duy trì diện tích giao khoán trên 2 ngàn ha rừng cho 1.950 hộ đồng bào dân tộc các xã Mường Phăng, Pá Khoang. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, làm đường và các công trình phúc lợi khác cho các xã gần rừng, trung bình 40 triệu đồng/công trình/năm. Nhờ có nguồn DVMTR, đơn vị chủ động hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ rừng với người dân, tổ cộng đồng thôn, bản sống gần rừng.

Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà, ông Nguyễn Việt Cường cho biết, đơn vị có hơn 7.300 ha rừng cung ứng DVMTR. Năm 2023, đơn vị đã hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 13 cộng đồng thôn, bản trên địa bàn 03 xã: Hừa Ngài, Huổi Lèng, Mường Tùng với sự tham gia của 1.558 hộ gia đình đồng bào dân tộc. Nhờ sự tham gia của các cá nhân, hộ gia đình đồng bào dân tộc nên không xảy ra các vụ xâm hại rừng lớn, không để xảy ra cháy rừng; thông tin về đối tượng phạm tội được người dân cung cấp kịp thời cho Trạm quản lý bảo vệ rừng của đơn vị. Cũng thông qua hoạt động này, ý thức giữ gìn tài nguyên, bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt. 

Tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình là đồng bào dân tộc, giúp họ giảm nghèo và nâng cao đời sống. Hỗ trợ các chủ rừng phát triển các mô hình sinh kế bền vững, gắn liền với bảo vệ rừng, như chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp, trồng cây thuốc, trồng cây ăn quả, du lịch sinh thái... Tăng cường vai trò của cộng đồng trong quản lý và sử dụng rừng, thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến rừng.

Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống; chủ rừng là tổ chức thực hiện quản lý rừng có nguồn tái đầu tư cho phát triển rừng, phát triển hạ tầng.

Năm 2022, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh được chi trả DVMTR hơn 2,3 triệu đồng/hộ/năm; điển hình tại xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé có một số hộ gia đình có mức thu nhập bình quân từ DVMTR cao như: bản Pa Ma 123 triệu/hộ/năm, bản Tả Ló San 115 triệu/hộ/năm... Với số tiền nhận được từ chính sách chi trả DVMTR các hộ gia đình sử dụng để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, một phần sử dụng chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao đời sống.

Ông Mào Văn Them (bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) cho biết: Ông tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ năm 2013, thu nhập tăng dần qua các năm; “Mỗi ngày, tổ cộng đồng bảo vệ rừng đầu nguồn suối Nậm Nhé đều cắt cử người thay phiên cùng cán bộ Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé đi tuần tra khu vực nhận khoán, nhằm ngăn ngừa tình trạng xâm hại, săn bắt, chặt cây rừng. Việc chi trả tiền DVMTR cho người nhận khoán được đơn vị thanh toán kịp thời, minh bạch. Nhờ đó, chúng tôi có động lực tham gia”.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, cán bộ Trạm quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng xã Sín Thầu thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé chia sẻ thêm, mỗi tháng Trạm đều cử cán bộ phối hợp với các cộng đồng thôn, bản đồng bào dân tộc Hà Nhì nhận thuê khoán bảo vệ rừng đặc dụng với đơn vị đi tuần 5-6 ngày/1 tổ, nhóm tuần tra, trong đó có đợt tuần tra dài ngày phải chuẩn bị theo tăng võng, đồ ăn để ngủ lại trong rừng. Mặc dù vất vả, nhưng có nguồn thu nhập nên mọi người đều vui và được góp sức bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản của Nhà nước.

Kiểm lâm địa bàn xã Huỗi Lèng hỗ trợ cộng đồng thanh toán tiền DVMTR.

Giảm các vụ vi phạm lâm luật

Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trong năm 2023, có 404.436,917 ha được bảo vệ nhờ chi trả DVMTR. Tại những khu vực được chi trả DVMTR người dân chú trọng hơn trong công tác bảo vệ rừng, hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Chính sách chi trả DVMTR đã gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc đối với rừng. Đồng thời còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, nâng số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng hàng năm: Năm 2019 hơn 75.000 hộ, năm 2020 hơn 85.000 hộ, năm 2021 gần 90.000 hộ, năm 2022 hơn 90.000 hộ. Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, năm 2021 lực lượng kiểm lâm đã phát hiện tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp: 295 vụ, giảm 34 vụ (giảm 10,3%) so với cùng kỳ năm 2020 và năm 2022 các vụ vi phạm lâm luật có chiều hướng giảm.

Ông Phan Anh Sơn, Phó Giám đốc Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho biết: Quỹ đã hoàn thành việc giải ngân hơn 250,44 tỷ đồng năm 2022 cho 4.266 chủ rừng là tổ chức, cộng đồng thôn, bản, cá nhân, hộ gia đình và UBND các xã được giao quản lý rừng. Việc chi trả tiền DVMTR của Quỹ và các đơn vị đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, đúng diện tích. Đối với cá nhân, hộ gia đình, chính sách đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sinh sống gần rừng và có thêm công trình phúc lợi cộng đồng. Đối với 05 đơn vị chủ rừng là tổ chức (các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng), nhờ có tiền DVMTR mà các đơn vị chủ động mở rộng diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ rừng; trồng rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng và chi trả dịch vụ cho người nhận khoán.

Cũng theo ông Sơn, Chính sách chi trả DVMTR vừa tạo sinh kế phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm việc làm, vừa khuyến khích đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó làm tăng tỷ lệ che phủ rừng và giảm tác động biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Correlative new

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Radio