Phụ nữ không chỉ là đối tượng hưởng lợi từ rừng mà còn là lực lượng tham gia tích cực vào những nỗ lực quản lý, bảo tồn và phát triển rừng. Đóng góp của phụ nữ là vô giá. 140 đại biểu tham gia Diễn đàn “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền bền vững" đã nhất trí công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ, đồng thời cho rằng việc trao quyền cho họ là một yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp.

Trong 2 ngày 05 – 06/10/2023, tại Thành phố Quy Nhơn, Bình Định, đã diễn ra Diễn đàn “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền bền vững". Diễn đàn không chỉ giúp tăng cường hiểu biết về bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp cho các bên liên quan mà còn tạo cơ hội kết nối và thúc đẩy sự hợp tác trong thực hiện các mục tiêu chung. Đây cũng là dịp để các bên cùng thảo luận phương hướng trong cải thiện bình đẳng giới và đóng góp của bình đẳng giới vào phát triển lâm nghiệp bền vững.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhận định: “Trong chuỗi các hoạt động lâm nghiệp, bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản của ngành, luôn tiềm ẩn và có thể xuất hiện sự bất bình đẳng trong phân công lao động, chênh lệch tiền lương và cơ hội việc làm; trong giao đất rừng, quyền sử dụng đất, lợi ích xã hội và môi trường lao động…. Những bất bình đẳng này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ. Do đó, thực hiện bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp sẽ không chỉ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành mà còn đối với quốc gia.”

Hiểu rõ vai trò, nhu cầu và kinh nghiệm khác nhau trong quản lý và bảo vệ rừng của phụ nữ và nam giới là bước đầu quan trọng trong việc chuyển đổi ngành lâm nghiệp sang hướng bền vững và công bằng xã hội. Để đạt được điều này, môi trường xã hội và chính sách cần nỗ lực tạo cơ hội công bằng cho phát triển nghề nghiệp của cả phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng cả phụ nữ và nam giới đều nhận được lợi ích bình đẳng từ rừng và các hoạt động lâm nghiệp.

Ông Santiago Alonso Rodriguez, Trưởng phòng hợp, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chúc mừng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác Việt Nam liên quan vì những nỗ lực xuất sắc trong việc thu hẹp khoảng cách giới.

"Chúng ta cần sự đóng góp mạnh mẽ của phụ nữ, nhưng đôi khi tiềm năng này chưa được khai thác đầy đủ trong ngành lâm nghiệp Việt Nam cũng như nhiều ngành và quốc gia khác. Vì vậy, còn nhiều công việc cần được thực hiện trong nhiều lĩnh vực và cấp độ khác nhau.” – Ông Santiago Alonso Rodriguez chia sẻ.

Thúc đẩy bình đẳng giới đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một ngành lâm nghiệp bền vững. Bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là vấn đề công bằng xã hội mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo sự tồn tại lâu dài và thành công của ngành lâm nghiệp.

Bằng cách tích cực thu hút sự tham gia của cả phụ nữ và nam giới từ các tầng lớp xã hội khác nhau vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, sẽ tạo nên sự đa dạng về vai trò, nhu cầu và kinh nghiệm trong ngành này. Nhìn nhận và hài hòa được những khác biệt này có thể dẫn đến những quá trình ra quyết định hiệu quả và bao trùm hơn, đồng thời đảm bảo rằng các thực hành lâm nghiệp được thực hiện một cách bền vững.

Chia sẻ kinh nghiệm với Diễn đàn về lồng ghép giới trong công tác tác bảo vệ, phát triển rừng tại cơ sở, bà Hoàng Lạc Tú Minh, Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn khuyến nghị: “Lồng ghép giới và công bằng giới cần thực hiện thông qua nâng cao nhận thức về giới, xóa bỏ định kiến giới, không phân biệt đối xử. Đặc biệt là cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới.”

Trưng bày tại Diễn đàn, 10 bức ảnh với chủ đề "Lâm nghiệp qua góc nhìn phụ nữ" đã nêu bật vai trò và đóng góp đa dạng của phụ nữ trong ngành lâm nghiệp. Thông qua đó, những câu chuyện, quan điểm và trải nghiệm giàu cảm xúc từ những người phụ nữ đang trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực lồng ghép và thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lâm nghiệp được chia sẻ với các đại biểu. Sau Diễn đàn, nhưng bức ảnh này sẽ tiếp tục được trưng bày tại nhiều sự kiện khác nhằm lan tỏa cảm hứng rộng rãi trong công chúng.  

Diễn đàn có sự tham gia của 140 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, các cán bộ kỹ thuật, và các bên liên quan trong ngành. Các đại biểu đã cùng thảo luận và đề xuất các giải pháp cho các vấn đề quan trọng liên quan đến bình đẳng giới. Sự kiện do Cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định và Ban Quản lý Dự án Lâm nghiệp, phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thay mặt cho Bộ Phát triển Hợp tác Kinh tế của Đức (BMZ) thực hiện.

Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu cũng đã trực tiếp tìm hiểu về thực tiễn công tác đẩy bình đẳng giới nhằm đóng góp vào việc đảm bảo bình đẳng giới và công bằng xã tại Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn và Công ty Dịch vụ cây trồng Nguyễn Hạnh - một doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

https://cuclamnghiep.gov.vn


Rating:

rating count: , average:



Correlative new

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Radio