Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, cũng là từng ấy năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên (Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng) thực thi, đưa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) vào cuộc sống trực tiếp của hàng nghìn người dân địa phương sống gắn bó với rừng; tạo nên một bước ngoặt, làm thay đổi rõ rệt ý thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thành lập ngày 08/3/2012, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm thực hiện chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, nay là Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018. Năm 2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên được kiện toàn tổ chức theo Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 07/12/2020 của UBND tỉnh Điện Biên trên cơ sở mở rộng, phát triển thành một tổ chức tài chính Nhà nước, thực hiện chức năng huy động, tiếp nhận và quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Điện Biên; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chủ động tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; huy động nguồn lực tài chính bền vững cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ rừng hiện có và phát triển rừng mới; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn thu từ chính sách chính sách chi trả DVMTR.

Ông Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐQL Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên chủ trì kỳ họp của Hội đồng Quản lý Quỹ.

 Theo ông Phan Anh Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có trên 393.000 ha rừng cung ứng DVMTR chiếm gần 96% tổng diện tích rừng toàn tỉnh, chưa tính cây cao su, cây mắc ca. Toàn tỉnh hiện có 4.183 chủ rừng, trong đó 3.079 chủ rừng là hộ gia đình, 1.048 cộng đồng, 47 UBND xã, phường, thị trấn được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 09 tổ chức.

Để chính sách chi trả DVMTR gần dân và đi vào cuộc sống, giai đoạn 2012 - 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các địa phương, chủ rừng, lực lượng Kiểm lâm tổ chức gần 402 hội nghị tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR; kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng hiệu quả tiền DVMTR trong phát triển sinh kế; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kỹ thuật trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR cho UBND các xã; lắp đặt 128 bảng thông báo chính sách chi trả DVMTR tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn.
 
 

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho chủ rừng huyện Tuần Giáo.

Đồng thời, hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng còn phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đăng tải hàng trăm bài viết, phóng sự, chuyên mục về công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện chính sách chi trả DVMTR; triển khai Chương trình “Chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng hành cùng học sinh đến trường”, qua đó trao tặng hơn 110.000 quyển vở, 5.000 ba lô, 4.000 áo khoác mang thông điệp về chính sách chi trả DVMTR cho các em học sinh thuộc các xã, khó khăn nằm trong vùng cung ứng DVMTR.

Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, 100% chủ rừng là hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tại Điện Biên khi đủ điều kiện chi trả đều được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng. Việc chi trả qua tài khoản ngân hàng đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch, tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí, giảm thiểu sử dụng tiền mặt và phù hợp với xu thế hiện nay là thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo bà Đặng Thị Thu Hiền - Giám đốc Ban điều hành Quỹ, chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến đời sống của hàng nghìn người làm nghề rừng, nhất là cộng đồng dân cư thôn, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc gắn trách nhiệm song song với quyền lợi được thực hiện hợp lý, rõ ràng đã tạo động lực cho người dân ra sức bảo vệ rừng bởi tiền từ chi trả DVMTR đã tạo nguồn sinh kế ổn định cho các hộ gia đình.

Đặc biệt, chính sách chi trả DVMTR cũng đã được xác định là chính sách đột phá của Nhà nước, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ tiếp tục phấn đấu hơn nữa để đạt được những thành tích tốt hơn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tích cực huy động các nguồn thu để đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Correlative new

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Radio