Bản Mường Pồn 1 và Mường Pồn 2 nằm ngay trung tâm xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 20 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 12 đi Lai Châu. Đây cũng là mảnh đất nơi anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng để đồng đội chiến đấu tiêu diệt quân thù trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Hình ảnh: Một góc thu nhỏ của bản Mường Pồn

Mường Pồn là mảnh đất ghi dấu một thời lửa đạn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc sống của người dân nơi đây sau chiến tranh vô cùng khó khăn. Nhưng bằng ý chí, nghị lực vươn lên của người dân và những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, giờ đây cuộc sống của người dân đã dần đổi thay với làng bản khang trang, ấm no.

Năm 2002 Bản Mường Pồn tách ra thành 2 bản: Bản Mường Pồn 1 và Bản Mường Pồn 2 với 100% là người dân tộc thái, sống chủ yếu dựa vào  canh tác nông nghiệp. Những năm trước đây, do nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng chưa được nâng cao, người dân trong bản thường hay vào rừng chặt củi, lấy gỗ để bán, phá rừng lấn chiếm đất làm nương làm cho rừng ngày một cằn cội, sạt lở, lũ quét thường xuyên xảy ra khi mỗi mùa mưa đến.

Từ năm 2013 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ và Nghị định số 147/2016/ NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 02/11/2016 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP. Chính sách này đã được chính quyền địa phương và người dân Bản Mường Pồn 1, Mường Pồn 2 tham gia hưởng ứng nhiệt tình.

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, UBND huyện Điện Biên đã ban hành Quyết định số 2753/QĐ-UBND ngày 26/6/2014 về việc phê duyệt phương án giao đất, giao rừng xã Mường Pồn, huyện Điện Biên và Quyết định phê duyệt danh sách chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Tổng diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng là: 1.525,230 ha, trong đó bản Mường Pồn 1 là: 405,900 ha ; bản Mường Pồn 2 là: 1.119,330 ha . Đây là cơ sở để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên làm căn cứ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho 2 bản. Tính từ năm 2011 đến năm 2017 tổng số tiền quỹ đã chi trả cho 2 bản là: 3.882.450.087 đ (Ba tỷ tám trăm tám mươi hai triệu bốn trăm tám mươi nghìn không trăm tám mươi bảy đồng) , trong đó: Bản Mường Pồn 1 là: 1.033.212.362 đ; bản Mường Pồn 2 là: 2.849.237.725 đ.

Hình ảnh: Người dân bản Mường Pồn 2 nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

Để đảm bảo chất lượng trong công tác bảo vệ rừng và sự nhận thức của người dân được nâng cao. Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên phối hợp với chính quyền xã Mường Pồn tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới từng chủ rừng; xây dựng quy ước bảo vệ rừng; tuyên truyền sâu rộng về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhằm giúp cho người dân cùng nhau bảo vệ rừng bởi vì “Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”

Theo ông Quàng Văn Trưởng, trưởng bản bản Mường Pồn 2, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng người dân rất phấn khởi và tham gia nhiệt tình trong công  tác bảo vệ rừng của bản, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, trong công tác quản lý tiền quỹ của bản, được sự nhất trí của người dân trong bản, ban quản lý bản đã gửi ngân hàng hơn 70 triệu đồng để làm nhà văn hóa của bản, đồng thời cũng mua giày, ủng, đèn pin, quần áo bảo hộ lao động… cho tổ bảo vệ rừng. Trong năm 2017 bản đã trồng thêm diện tích rừng phòng hộ 10,3 ha, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên hỗ trợ cây trồng và số tiền hơn 226 triệu đồng cho người dân tham gia trồng rừng, trong những năm tiếp theo bản sẽ duy trì công tác chăm sóc cây trồng để tăng thêm diện tích được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hình ảnh: Người dân bản Mường Pồn 2 tham gia trồng rừng phòng hộ năm 2017

Ông Vì Văn Khiên, Trưởng bản Mường Pồn 1, cho biết: Nhờ công tác tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ cán bộ kiểm lâm, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho bà con trong bản, bà con đã nhận thức được phải bảo vệ rừng tốt để hạn chế xói mòn, lũ quét, cung cấp ổn định và nhiều nước cho các nhà máy thủy điện thì mức chi trả tiền ngày càng cao sẽ giúp người dân cải thiện được cuộc sống. Từ năm 2013 đến nay nạn phá rừng làm nương đã chấm dứt hẳn, bản đã xây dựng được quy ước bảo vệ rừng, thành lập tổ tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng kịp thời. Nhờ đó các khu rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng của bản đã được bảo vệ và ngày càng xanh tốt.

Hình ảnh: Tổ bảo vệ rừng bản Mường Pồn 2 đi tuần tra khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến với người bảo vệ rừng như một sự “Phồn thịnh”, nó đã giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người sống gắn bó với nghề rừng, không chỉ vậy nó còn giúp cho rừng được bảo vệ, nạn chặt phá rừng làm nương, nạn săn bắn động vật bừa bãi đã không còn. Trong tương lai không xa nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tôi tin rằng người dân Bản Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, xã Mường Pồn sẽ cùng nhau nỗ lực để bảo vệ rừng ngày càng xanh tốt hơn. Qua đó có thể khẳng định chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã “góp phần làm cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn”. 

 

Lò Văn Hùng - Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Radio