Với mục đích đem lại lợi ích kinh tế cho người dân và bảo vệ môi trường rừng, huyện Tuần Giáo đã tập trung khai thác tiềm năng của địa phương phát triển trồng các loại cây dưới tán rừng. Cùng với chính sách hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, việc bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc, dược liệu quý có giá trị kinh tế cao đang từng bước hình thành các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng thương hiệu; nguồn thu từ rừng ngày càng bền vững hơn...

Bên cạnh trồng thảo quả, sa nhân dưới tán rừng, tới đây huyện Tuần Giáo tiếp tục phát triển diện tích trồng cây sâm trên địa bàn. Trong ảnh: Các đơn vị, cơ quan chuyên môn khảo sát mô hình trồng sâm của một số gia đình trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

Bản Ten Hon, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) được biết đến với rừng thảo quả có niên đại hơn 20 năm. Nhờ chăm sóc tốt, hiện nay bà con vẫn thu hoạch đều đặn với năng suất đạt 3 tạ quả khô/ha mà chưa phải trồng lại. Với giá thành cao và ít có biến động về giá nên việc tiêu thụ thảo quả khá thuận lợi. Thảo quả là cây trồng bán tự nhiên, việc chăm sóc cũng khá đơn giản. Hằng năm, bà con vệ sinh, phát dọn cỏ và lá khô dưới tán từ 1 đến 2 lần, chặt bỏ những cây thảo quả già sau khi thu hoạch.

Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản Ten Hon, xã Tênh Phông chia sẻ: “Cây thảo quả ở đây bà con chăm sóc, phát quang 1 lần vào mùa ra hoa để đậu quả nhiều hơn. Việc bảo vệ cũng được xây dựng quy ước, quy định là thu đúng vụ, không cho ai thu trước. Đồng thời cho bà con đi kiểm tra thường xuyên xem có xảy ra vấn đề gì không, không thì cứ chăm sóc đến mùa thu hoạch là thu thôi”.

Thảo quả là loại cây dưới tán rừng có tác dụng đa mục đích, vừa đem lại lợi ích kinh tế bền vững vừa mang lại những giá trị về bảo vệ hệ sinh thái và môi trường. Khi cây có hiệu quả, xã Tênh Phông đã nhân rộng diện tích trồng thảo quả và đến nay, toàn xã đã có trên 80ha. Trao đổi với chúng tôi, ông Lầu A Nênh, Phó Chủ tịch UBND xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo cho biết: Trên địa bàn xã Tênh Phông, khí hậu mát mẻ, phù hợp với thảo quả trồng dưới tán rừng, vừa bảo vệ rừng, vừa giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Vậy nên, xã vận động bà con tiếp tục trồng, bảo vệ diện tích thảo quả hiện có và chăm sóc hằng năm để thu hoạch. Vận động bà con trồng thêm sa nhân được 32ha, thảo quả là 83,5ha. Trung bình mỗi ha, người trồng thảo quả thu nhập từ 40 đến 45 triệu đồng/năm. Thảo quả là loại cây trồng dưới tán rừng, không phải dành riêng diện tích đất cho loại cây này mà hiệu quả lại lớn hơn nhiều loại cây lâm nghiệp khác ở địa phương.

Ngoài thảo quả, sa nhân cũng là loại cây dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Tuần Giáo và nhiều địa phương khác trong tỉnh. Tại huyện Tuần Giáo, cây sa nhân được trồng tập trung ở các xã: Tênh Phông, Tỏa Tình, Ta Ma, Phình Sáng và Rạng Đông, với tổng diện tích khoảng 180ha, trong đó 65ha đã cho thu hoạch và trở thành một trong những loại lâm sản mang lại giá trị kinh tế cao. Với mức thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha/năm, cây sa nhân tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Từ lợi ích của các loại cây dưới tán rừng góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, cho biết: Đối với cây trồng dưới tán rừng, ngoài hiệu quả thu nhập thì người dân cũng có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn và tích cực mở rộng diện tích cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Từ đó càng khẳng định, chủ trương phát triển các loại cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp tại địa phương là phù hợp. Việc trồng cây dưới tán rừng trên địa bàn huyện từ trước đến giờ, bà con chỉ trồng thảo quả và sa nhân; và tới đây, huyện Tuần Giáo cũng đang phát triển thêm một số diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay huyện đang kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư là các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất với người dân tạo vùng sản xuất bền vững. Từ đó, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng sẽ góp phần vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.

Từ hiệu quả đạt được trong việc phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, trong đó có cây trồng dưới tán rừng; đồng thời, trên cơ sở các định hướng, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Tuần Giáo xác định, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, trong đó có các loại cây dược liệu phù hợp dưới tán rừng là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế rừng, gắn với xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Ông Trần Khoa Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện nay, theo mục tiêu đến 2025, huyện Tuần Giáo sẽ phát triển trên 500ha cây lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu như: sa nhân, thảo quả, sơn tra, một số cây dược liệu khác như các loại sâm. Đến giai đoạn 2026-2030 thì tiếp tục duy trì diện tích và mở rộng thêm 50ha cây lâm sản ngoài gỗ nữa để tạo vùng nguyên liệu, tạo sản phẩm hàng hóa từ lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán rừng.

Cây dược liệu dưới tán rừng ở Tuần Giáo đã cho hiệu quả thiết thực nhưng hiện mới chỉ dừng lại ở một vài loại cây, chưa đa dạng và chưa có sự liên kết trong sản xuất. Vì vậy, thời gian tới, huyện Tuần Giáo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thu hút, mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có thị trường tiêu thụ sản phẩm để đầu tư phát triển cây dưới tán rừng. Đồng thời, triển khai các dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; góp phần phục hồi một số nguồn gen cây dược liệu bản địa và thúc đẩy tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn.

http://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      156 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.076.535
      Online: 24