Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé nằm trên địa bàn huyện Mường Nhé. Ở đây có nhiều cánh rừng nguyên sinh đang được bảo tồn nguyên vẹn với hệ sinh thái phong phú, có tính đa dạng sinh học cao và là nơi lưu giữ nguồn gen của nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều diện tích rừng đang bị đe dọa khiến cho công cuộc giữ rừng càng thêm vất vả...

Cán bộ Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé kiểm tra, xác định mốc giới để quản lý, bảo vệ.

Có dịp đi tuần tra, kiểm soát rừng cùng cán bộ KBTTN Mường Nhé, mới thấu hiểu được sự vất vả của từng thành viên đơn vị. Mỗi ngày họ vẫn âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ khắc phục khó khăn, quyết tâm bám đất, bám rừng, bảo vệ màu xanh cho sự sống. Là người gắn bó với KBTTN Mường Nhé hơn 13 năm, anh Diệp Văn Chính, Giám đốc Khu Bảo tồn kể cho chúng tôi nhiều kỷ niệm mà anh cùng cán bộ đơn vị từng trải qua. Nhớ nhất là thời điểm năm 2010, khi đó, anh Chính cùng cán bộ đi kiểm tra diện tích rừng bị phá tại xã Leng Su Sìn. Dù phân tích giữ cái lợi và cái hại, cái đúng và cái sai cho người vi phạm nhưng họ kiên quyết không nghe. Không những thế, bản thân người vi phạm còn lôi kéo người thân, họ hàng ra để gây áp lực cho cán bộ khu bảo tồn. “Để bảo vệ rừng, nhiều khi chúng tôi phải đánh đổi cả sức khỏe, thậm chí là tính mạng bởi những đối tượng vi phạm rất manh động” - anh Chính chia sẻ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết KBTTN Mường Nhé có diện tích rất rộng, trải dài trên 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè của huyện Mường Nhé. Khu vực này có đường biên giới dài hàng trăm ki lô mét, chủ yếu gồm các cánh rừng nguyên sinh rêu phong âm u, khí hậu ẩm ướt và hiện là khu phục hồi sinh thái rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Khu bảo tồn có vị trí quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn Sông Đà, nơi cung cấp và điều tiết nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, đặc biệt là các công trình thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà. Anh Diệp Văn Chính bộc bạch: Những năm gần đây, rừng càng phát triển thì việc quản lý, bảo vệ rừng càng khó khăn hơn. Xác định tầm quan trọng của rừng, đất rừng tại đây tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng tại đây được cán bộ Khu bảo tồn thực hiện rất nghiêm ngặt.

Anh Diệp Văn Chính cũng cho biết, KBTTN Mường Nhé được đánh giá là khu bảo tồn thuộc loại lớn của Việt Nam, có tính đa dạng sinh học cao và hệ sinh thái rừng phong phú. Những năm qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với nhiều đoàn nghiên cứu trong nước, nước ngoài, như: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học SAKAS (Hoa Kỳ), Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga... đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua nghiên cứu đã phát hiện 2 loài thực vật mới, quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam năm 2007 để bổ sung vào danh mục thực vật rừng KBTTN Mường Nhé. Thống kê tại khu bảo tồn có tổng số 210 loài chim thuộc 13 bộ và 46 họ; 28 loài bò sát ếch, nhái thuộc 2 lớp, 2 bộ và 10 họ đã được ghi nhận trong đợt khảo sát. Trong đó, có 9 loài hiện mới được xác định tới giống. Ngoài ra, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé còn thống kê được có 198 loài bướm thuộc 11 họ, 103 giống. Trong đó, có 3 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và IUCN; 1 loài có thể là loài hoặc phân loài mới trong khoa học. Kết quả nghiên cứu sơ bộ về các loài thú nhỏ và lưỡng cư: Ghi nhận thêm 10 loài thú nhỏ, 11 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư trong Khu bảo tồn...

“Dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR. Đặc biệt, địa bàn đơn vị được giao quản lý rộng, trải dài trên 5 xã biên giới, địa hình phức tạp, nguy cơ cao và mất an toàn về an ninh trật tự, biên chế công chức kiểm lâm thiếu so với quy định. Song, đơn vị vẫn quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao, giữ vững sự bình yên và màu xanh cho những cánh rừng” - anh Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban quản lý KBTTN Mường Nhé chia sẻ.

http://baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      157 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.077.372
      Online: 850