Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giúp người dân vùng sâu, vùng xa từng bước cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Năm 2021, gần 90 ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Kiểm lâm Mường Chà hướng dẫn chủ rừng khu vực rừng bảo vệ

* Cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng

Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống; chủ rừng là tổ chức thực hiện quản lý rừng có nguồn tái đầu tư cho phát triển rừng, phát triển hạ tầng.

Năm 2021, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh được chi trả DVMTR gần 2 triệu đồng/hộ/năm; điển hình một số hộ gia đình có mức thu nhập cao như cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được gần 87 triệu đồng/năm. Huyện Tuần Giáo có cộng đồng bản Thẩm Táng, xã Pú Xi bình quân nhận được gần 28 triệu đồng/hộ/năm. Với số tiền nhận được từ chính sách chi trả DVMTR các hộ gia đình sử dụng để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, một phần sử dụng chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao đời sống.

Chi trả tiền DVMTR giúp người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống.

Ông Mào Văn Them (bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) cho biết: Ông tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ năm 2013, thu nhập tăng dần qua các năm; “Mỗi ngày, tổ cộng đồng bảo vệ rừng đầu nguồn suối Nậm Nhé đều cắt cử người thay phiên cùng cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn đi tuần tra khu vực nhận khoán, nhằm ngăn ngừa tình trạng xâm hại, săn bắt, chặt cây rừng. Việc chi trả tiền DVMTR cho người nhận khoán được Khu bảo tồn thanh toán kịp thời, minh bạch. Nhờ đó, chúng tôi có động lực tham gia”.

Ông Tòng Văn Tiểm, cán bộ kiểm lâm Trạm quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng xã Mường Nhé chia sẻ thêm, mỗi tháng Trạm đều cử cán bộ phối hợp với các cộng đồng thôn, bản nhận thuê khoán bảo vệ rừng đặc dụng với đơn vị đi tuần 5-6 ngày/1 tổ; nhóm tuần tra, trong đó có đợt tuần tra dài ngày phải chuẩn bị theo tăng võng, đồ ăn để ngủ lại trong rừng. Mặc dù vất vả, nhưng có nguồn thu nhập nên mọi người đều vui và được góp sức bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản của Nhà nước.

* Giảm các vụ vi phạm lâm luật

Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;  trong năm 2021, có 391.047,82 ha được bảo vệ nhờ chính sách chi trả DVMTR. Tại những khu vực được chi trả DVMTR người dân chú trọng hơn trong công tác bảo vệ rừng, hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Chính sách chi trả DVMTR đã gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng, đồng thời còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, nâng số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng hàng năm: Năm 2019 hơn 75.000 hộ, năm 2020 hơn 85.000 hộ, năm 2021 gần 90.000 hộ. Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên năm 2021 lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp: 295 vụ, giảm 34 vụ (giảm 10,3%) so với cùng kỳ năm 2020.

* Xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng

Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo, ông Phạm Quốc Huy cho biết, đơn vị có hơn 8 ngàn ha cung ứng DVMTR. Năm 2021, đơn vị đã hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 11 cộng đồng bản trên địa bàn 04 xã: Ta Ma, Phình Sáng, Mường Khong, Pú Xi với sự tham gia của 898 hộ gia đình. Nhờ sự tham gia của các cá nhân, hộ gia đình nên không xảy ra các vụ xâm hại rừng lớn, không để xảy ra cháy rừng; thông tin về đối tượng phạm tội được người dân cung cấp kịp thời cho Trạm quản lý bảo vệ rừng của đơn vị. Cũng thông qua hoạt động này, ý thức giữ gìn tài nguyên, bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt. 

Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, ông Diệp Văn Chính cho biết, năm 2021 đơn vị duy trì diện tích giao khoán gần 30 ngàn ha rừng cho hơn 1,8 ngàn hộ gia đình. Ngoài ra, khu bảo tồn còn hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, làm đường, công trình điện, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác cho các xã gần rừng, trung bình 40 triệu đồng/công trình/năm. Nhờ có nguồn DVMTR, đơn vị chủ động hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ rừng với người dân, tổ cộng đồng thôn, bản sống gần rừng.

Ông Phan Anh Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho biết: Năm 2021, quỹ đã giải ngân hơn 218,40 tỷ đồng cho 1.945 chủ rừng là tổ chức, cộng đồng thôn, bản, cá nhân, hộ gia đình và UBND các xã được giao quản lý rừng. Việc chi trả tiền DVMTR của quỹ và các đơn vị đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, đúng diện tích. Đối với cá nhân, hộ gia đình, chính sách đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sinh sống gần rừng và có thêm công trình phúc lợi cộng đồng. Đối với 05 đơn vị chủ rừng là tổ chức (các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng), nhờ có tiền DVMTR mà các đơn vị chủ động mở rộng diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ rừng; trồng rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng và chi trả dịch vụ cho người nhận khoán.

Cũng theo ông Sơn, chính sách chi trả DVMTR vừa tạo sinh kế phát triển kinh tế - xã hội, vừa khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó làm tăng tỷ lệ che phủ rừng và giảm tác động biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh còn khoảng 86 ngàn ha rừng chưa đủ điều kiện chi trả, chưa giao… trong năm 2022 Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh kiến nghị với cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch làm việc UBND các huyện, các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị chủ rừng, quản lý rừng để thống nhất hướng tháo gỡ những vướng mắc để những diện tích rừng cung ứng DVMTR trên có đủ điều kiện chi trả DVMTR trong thời gian sớm nhất./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      156 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.075.492
      Online: 19