Những năm gần đây, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chủ rừng từng bước được nâng cao; các cơ quan, tổ chức trong tỉnh quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn. Đặc biệt, chính sách đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), sự thay đổi lớn nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên là ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân. Bên cạnh đó, chính sách chi trả DVMTR góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân, đã tạo động lực khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nếu năm 2016 diện tích đất có rừng là 368.772 ha, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên đạt 38,5% (Theo Quyết định số 1819/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/5/2017), số lượng chủ rừng được nhận tiền chi trả DVMTR là 2.509 chủ rừng; thì năm 2020, diện tích đất có rừng tăng lên 407.030,3 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,66%, tổng số chủ rừng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng toàn tỉnh là 4.608 chủ rừng, trong đó: 08 chủ rừng là tổ chức, 37 chủ rừng là UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 1.035 chủ rừng là cộng đồng, 3.528 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân.

Đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh; sự quản lý, chỉ đạo sát sao của Hội đồng quản lý Quỹ đối với việc thực hiện tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính của Quỹ theo quy định. Đồng thời, là sự nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể viên chức, người lao động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ảnh: Đ/c Lò Văn Tiến – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ chỉ đạo tại cuộc họp HĐQL Quỹ lần II năm 2021.

Để chính sách được mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh biết đến và hưởng ứng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng luôn chú trọng đến đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Thực hiện mở 38 chuyên mục, 37 chuyên trang, 225 bài, 33 tin, 5 phóng sự ảnh, video trên các báo; 48 số truyền hình, 39 số phát thanh trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh). Tuyên truyền trên các sản phẩm truyền thông (soạn thảo, in ấn và cấp phát 10.000 tờ rơi, 1.500 áp phích, 5.586 bản tin, lắp đặt 319 biển báo khu vực chi trả DVMTR, phát 2.605 sổ tay chi trả DVMTR, 942 sổ tay tuần tra bảo vệ rừng cung ứng DVMTR). Bên cạnh việc tuyên truyền đến người dân, các cấp, các ngành, việc tuyên truyền sâu rộng trong các trường học đến các em học sinh góp phần chuyển tải, lan tỏa những thông điệp về bảo vệ rừng cũng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng lồng ghép để tuyên truyền bằng việc tổ chức Chương trình đồng hành cùng học sinh đến trường (Tổ chức cấp phát 4.000 áo khoác, 5.000 balo, 110.000 vở viết cho các em học sinh thuộc các trường THCS trên địa bàn tỉnh Điện Biên).

Nhằm phong phú, đa dạng hình thức tuyên truyền, hằng năm Ban điều hành Quỹ tổ chức các buổi tuyên truyền miệng tại cơ sở cho các chủ rừng và người dân (Tổ chức 386 cuộc tuyên truyền về Luật lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, hướng dẫn quản lý sử dụng tiền và mở tài khoản ngân hàng với 12.227 lượt người tham gia); phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 30 lớp tập huấn với 746 lượt học viên tham gia, để nang cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức, người lao động trong việc thực hiện chính sách.

Ảnh: Cán bộ Quỹ Bảo vệ và PTR tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho người dân.

Để công tác chi trả DVMTR thuận lợi, hiệu quả, minh bạch và đúng thời gian theo quy định, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên, Ngân hàng số Viettel Pay… thực hiện công tác chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, giao dịch thanh toán điện tử. Đến thời điểm hiện tại, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng đã tổ chức thanh toán tiền DVMTR năm 2020 cho 2.231/4.608 chủ rừng qua tài khoản, giao dịch điện tử.

Đồng thời, để tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí, đảm bảo khoa học, hiệu quả, đồng bộ, chính xác cao; nhằm đáp ứng yêu cầu về thực hiện chính sách chi trả DVMTR trong tình hình mới; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ: Sử dụng các ứng dụng thiết bị công nghệ GIS, thiết bị định vị toàn cầu GPS phục vụ công tác cập nhật, xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác kiểm tra, xác minh diện tích rừng đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR của các chủ rừng.

Có thể khẳng định, sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao rõ nét; nhân dân tích cực tham gia công tác tuần tra, kiểm tra rừng, PCCCR… Số vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng hàng năm giảm đáng kể.

Đặc biệt, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện sinh kế và giúp người dân gắn bó với rừng. Trung bình mỗi hộ gia đình được nhận tiền chi trả DVMTR hơn 2 triệu đồng/năm, hộ được nhận cao nhất trên địa bàn tỉnh là hơn 120 triệu đồng/năm. Với nguồn kinh phí từ chi trả DVMTR, không ít cộng đồng thôn bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, các công trình phúc lợi góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình; xây dựng được quỹ chung, sử dụng vào hoạt động hỗ trợ tổ tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng nhiều hạng mục phục vụ dân sinh như: xây dựng nhà văn hóa, đường bê tông vào khu sản xuất,… và duy trì phong trào chung của bản, điển hình như: Bản Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, huyện Điện Biên và bản Pu Nhi A, B,  Háng Trợ A, B, huyện Điện Biên Đông.

Ảnh: Nhà văn hóa bản Mường Pồn 2, huyện Điện Biên.

Trong thời gian tới, để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục đi vào cuộc sống, mang lại kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Hội đồng quản lý Quỹ sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp định kỳ để nắm bắt được kết quả đạt được và đưa ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; Chỉ đạo Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời, phát huy tối đa vai trò là kênh huy động các nguồn lực xã hội và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giúp cho những cánh rừng trên địa bàn tỉnh giữ mãi màu xanh./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      156 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.072.177
      Online: 14