Năm 2021, trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến các hoạt động của cả nước nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (Quỹ tỉnh) đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Hội đồng quản lý Quỹ, Sở Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành có liên quan. Hơn thế nữa, đó là việc kịp thời căn cứ vào tình hình thực tế, đề ra các giải pháp, phương án linh hoạt, sáng tạo, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ nhưng vẫn chống dịch hiệu quả và sự nỗ lực, tập trung giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, người lao động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên.

Hiện nay, nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế; việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tạo nên một nguồn lực tài chính lớn ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Năm 2021, ngay sau khi kế hoạch thu, chi và dự toán chi quản lý của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được UBND tỉnh phê duyệt; Quỹ tỉnh đã triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết đối với mỗi nhiệm vụ đặt ra. Trong năm, thực hiện cơ bản hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch: Kết quả thu 2021 là 241,338 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch; kết quả chi là 235,290 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch.

Quỹ tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND các xã rà soát xác định diện tích rừng chi trả tạm ứng tiền DVMTR năm 2021 thuộc lưu vực Sông Đà.

Ngoài sự chỉ đạo, quan tâm của các cơ quan ban, ngành đối với việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, việc phối hợp với các đơn vị liên quan cũng được Quỹ tỉnh chú trọng. Trong năm, Quỹ tỉnh chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện rà soát xác định diện tích rừng chi trả tiền DVMTR năm 2020 ngoài thực địa đối với diện tích có kiến nghị là 13.988,33 ha; Phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Tuần Giáo, Mường Chà, Tủa Chùa rà soát xác định diện tích rừng chi trả tạm ứng tiền DVMTR năm 2021thuộc lưu vực Sông Đà với tổng diện tích rừng là 63.594,83 ha. Đồng thời, Quỹ tỉnh đã xây dựng xong 104/104 bản đồ chi trả DVMTR cấp xã năm 2020 cho các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng; 5/5 bản đồ chi trả DVMTR năm 2020 cho các chủ rừng là tổ chức.

Để chính sách DVMTR được mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh biết đến và hưởng ứng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng luôn xây dựng nhiều phương pháp truyền thông về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng như: Xây dựng 12 chuyên mục phát thanh, 12 chuyên mục truyền hình trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Đăng tải 25 chuyên mục, 5 phóng sự, 103 tin, bài, 12 bài phóng sự ảnh trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, trên các Báo; Viết, đăng tải 50 tin, bài trên trang Thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; Thiết kế, in ấn và cấp phát 128 Bảng thông báo, 1.000 bìa đựng hồ sơ, 1.000 quyển lịch, 5.000 tờ lịch năm 2022, 08 sổ tay chi trả DVMTR.

Nhằm phong phú, đa dạng hình thức tuyên truyền, Ban điều hành Quỹ tổ chức các buổi tuyên truyền miệng tại cơ sở cho các chủ rừng và người dân (tổ chức 16 buổi tuyên truyền về Luật lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, hướng dẫn quản lý sử dụng tiền… với 308 lượt người tham gia); Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức buổi tập huấn trực tuyến hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR cho Lãnh đạo, cán bộ UBND các xã, thị trấn các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Chà với 68 lượt người tham gia.

Quỹ tỉnh phối hợp với phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Nông nghiệp và PTNT tập huấn trực tuyến hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR cho UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.

Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Điện Biên về việc thực hiện chi trả DVMTR cho các chủ rừng không dùng tiền mặt; năm 2021, Quỹ tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng số Viettel Pay hỗ trợ chủ rừng mở thêm 285 tài khoản, cho 285 chủ rừng. Tổng số lượng chủ rừng đã mở tài khoản lũy kế đến ngày 13/12/2021 là 2.273/4.608 chủ rừng, đạt 49,3%. Trong năm thực hiện chi trả tiền DVMTR cho 1.945 chủ rừng, với số tiền 218,40 tỷ đồng, đạt 100% tổng số tiền chi trả.

Nhờ tiền DVMTR được chi trả kịp thời, đầy đủ, đời sống của người dân khu vực miền núi Điện Biên được cải thiện đáng kể. Nhiều bản làng và các hộ dân đã sử dụng một phần tiền này để tu sửa cơ sở hạ tầng như nhà văn hóa, giao thông thôn, bản và tùy theo điều kiện từng hộ, từng địa phương, nhiều mô hình kinh tế cũng được hình thành. Bên cạnh phát triển kinh tế, bảo vệ rừng hiện có, người dân còn có thêm điều kiện để tái trồng rừng, sớm đưa đất trống, đồi núi trọc trước đây trở thành diện tích có rừng cung ứng DVMTR. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển rừng một cách bền vững. Qua số liệu thống kê của Ban điều hành Quỹ, tiền DVMTR đã nâng cao thu nhập cho hơn 53.000 hộ tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, đối với lưu vực Sông Đà thu nhập bình quân của các hộ gia đình đạt hơn 3 triệu đồng/hộ/năm. Riêng đối với các hộ gia đình trong cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé trung bình mỗi hộ đạt hơn 90 triệu đồng/hộ/năm.

Để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí DVMTR, năm 2021, Quỹ tỉnh tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát: Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR từ năm 2018 - 2020 đối với UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên địa bàn huyện Mường Chà; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR từ năm 2018- 2020 đối với chủ rừng là cộng đồng trên địa bàn huyện Mường Nhé, Nậm Pồ; kiểm tra việc thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn huyện Mường Ảng, Điện Biên và thành Phố Điện Biên Phủ. Ngoài ra, Quỹ tỉnh cũng tổ chức kiểm tra, giám sát việc xác minh diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 của người lao động Ban điều hành Quỹ; các chương trình, dự án được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí của Quỹ như kiểm tra kết quả thực hiện trồng cây phân tán (cây Hoa Ban) trên địa bàn huyện Tủa Chùa, Mường Ẳng, TP. Điện Biên Phủ.

Năm 2021, chính sách chi trả DVMTR đã phát huy được vai trò quan trọng, là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc huy động nguồn tài chính ổn định, bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng. Tạo được sự đồng thuận, lòng tin của người dân sống bằng nghề rừng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong năm tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên tiếp tục tham mưu thực hiện tốt hơn nữa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngay khi có kế hoạch được phê duyệt sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR cho các chủ rừng; thực hiện xác định diện tích rừng nằm trong lưu vực Nhà máy thuỷ điện Nậm Pay, Huổi Vang, Sông Mã 3; rà soát, tổng hợp các chủ rừng chưa mở tài khoản; tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo UBND các xã đôn đốc các chủ rừng chưa mở tài khoản, mở tài khoản để nhận tiền DVMTR. Đề xuất các giải pháp để tháo gỡ triệt để những khó khăn đối với các trường hợp chủ rừng không có khả năng mở tài khoản, các sai khác giữa Quyết định và bản đồ... Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đối với các chủ rừng và các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng,… đúng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      156 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.072.385
      Online: 21