Họ và tên đầy đủ của ông là Lò Văn Cu, người dân tộc Thái đen, nhưng với người dân năm bản ở thôn Hạ Thanh, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) thì cái tên ông “Cu rừng” quen thân hơn cả. Người già, trẻ nhỏ, đàn ông, đàn bà gọi tên ông bằng niềm kính trọng, tin yêu. “Gánh” sứ mệnh trồng rừng

Ông “Cu rừng” (đội mũ cối) cùng người cao tuổi Hạ Thanh tuần tra, bảo vệ rừng.

Bấm đốt ngón tay, ông “Cu rừng” khẽ nói: Tính từ ngày chúng tôi đi nhặt hạt trồng cây đến nay, đã gần 30 năm và cái tên ông “Cu rừng” cũng theo tôi từ ngày đó.

Ông Cu từng bảo: “Điều làm tôi bận tâm nhất là giữa nơi rừng núi mà tuyệt nhiên không thể tìm ra, dù chỉ một gốc cây to để làm nơi cúng bản theo phong tục “Xên bản - xên mường”. Nếu không muốn con cháu chúng ta khổ vì thiếu nước, vì khô hạn, không trách cha ông khai thác cạn kiệt rừng thì chúng ta phải cùng nhau “gánh” sứ mệnh trồng rừng”. Khi đó, nghe ông Cu nói, mọi người đều thay đổi thái độ, rồi biểu thị một quyết tâm: Trồng rừng!

Đưa chúng tôi tham quan rừng Huổi Cá Lá - khu rừng đầu tiên gần 30 năm trước ông Cu cùng mấy người bạn già của mình là ông Yến, ông Lả, ông Cụt, ông Pánh... đã cuốc từng hốc tra từng hạt giống. Ông Cu kể lại: “Hôm ấy là ngày đầu tháng 2/1994, nhóm trồng rừng chúng tôi gồm 12 cán bộ hưu gặp nhau tại đây với dụng cụ đem theo là con dao, cái cuốc và mỗi người một túi hạt xoan. Gieo hết 60 kg hạt giống, chúng tôi về nhà thì đã sang tháng 3. Hạt giống gieo tính bằng yến, vậy mà thành cây lại đếm trên đầu ngón tay. Sáu người muốn bỏ cuộc, tôi lại động viên: mọi người thử thêm một vài lần nữa các ông ạ”.

Sau thất bại lần đầu gieo hạt, ông Cu trầm ngâm hơn. Hằng ngày ông vẫn cùng mọi người vào rừng phát cỏ, vun đất chăm từng gốc xoan nhưng trong lòng nặng nỗi ưu tư. Chẳng cần ông nói, mọi người cũng hiểu ông trăn trở với hàng loạt câu hỏi lởn vởn trong đầu: trồng cây gì, mua ở đâu, tiền ở đâu... Năm 1995, khi nghe tin Chính phủ triển khai dự án trồng rừng 327, ông Cu mạnh dạn viết đơn xin trồng rừng gửi lên xã. Được xã đồng ý, huyện chấp nhận, nhóm 12 người hưu trí ở Hạ Thanh vui như “cây lớn trong lòng”. Có cây giống, diện tích rừng trồng lại được xã giao khoán danh chính ngôn thuận, các ông thở phào, coi như căn bản trút được nỗi lo. 

Cứ như thế, ngày ngày 12 thành viên tổ trồng rừng của ông Cu đều vào rừng chăm sóc tỉa cành. Từ một khu rừng ban đầu chỉ gần chục ha, đến nay tổ trồng rừng đã sở hữu 42,7 ha. Trong đó 12,7 ha là rừng trồng, 30 ha các ông nhận khoanh nuôi bảo vệ. Cây nào cũng xanh tốt, nhiều cây đường kính lên đến 60 - 70 cm, còn những cây đường kính từ 30 - 40 cm nhiều vô kể. Nếu tính chung thì mỗi ha rừng có trữ lượng trên dưới 50 khối gỗ tròn, quy thành tiền cả khu rừng ấy trị giá hàng chục tỷ đồng.

Quỹ rừng giúp con người

Để quản lý, chăm sóc “khối tài sản” ấy, với ông Cu và các thành viên tổ trồng rừng là cả một vấn đề không dễ dàng. Ông Cu nảy ra ý định vận động người cao tuổi ở năm bản trong thôn tham gia tổ trồng rừng, để mọi người cùng có trách nhiệm. Thuận theo ý kiến ông Cu, 12 thành viên “sáng lập” tổ trồng rừng Hạ Thanh đã chia nhau đi gõ từng nhà vừa tuyên truyền, vừa vận động người cao tuổi của các gia đình tham gia trồng, chăm sóc rừng Hạ Thanh. Cùng với sự giúp đỡ của cán bộ xã, thành viên tổ trồng rừng Hạ Thanh đã tăng từ 12 người ban đầu lên 120 người.

Bảo đảm mỗi người mỗi việc hiệu quả, ông Cu đã chủ trì họp, phân công, phân ban và đích thân ông soạn thảo quy chế hoạt động của từng ban. “Cũng có lễ ra mắt, có quyết định công bố thành viên từng ban bệ: Ban kiểm soát; Ban thanh tra; Kế toán; Thủ quỹ, nhưng thành viên trong ban quản lý rừng Hạ Thanh không hưởng bất kỳ một chế độ vật chất nào, trừ một trách nhiệm nặng nề. Song tất thảy mọi người đều đồng lòng như buổi đầu đã biểu thị quyết tâm chung sức trồng rừng vì khát vọng Hạ Thanh, ông “Cu rừng” nhớ lại.

Như hiểu lòng người gửi gắm, chăm chút, chừng 10 năm sau, rừng Hạ Thanh bắt đầu khép tán, cho nguồn thu nho nhỏ từ lâm sản phụ. Cộng các khoản tích góp công trồng, chăm sóc, tiền bán măng, sặt, cành khô…, năm 2005, Hội trồng rừng Hạ Thanh có nguồn quỹ chung hơn 20 triệu đồng. Dẫu không nhiều nhưng quỹ ấy dưới sự quản lý của ông “Cu rừng” đã giúp hội viên như các ông Lò Văn Inh, Lò Văn Chinh xoay xở những lúc khó khăn và đôi khi cũng giúp người nghèo qua cơn bạo bệnh. Năm tháng qua đi, “quỹ rừng” ngày càng nhiều lên và danh sách hội viên được vay vốn cũng ngày càng dày hơn. Với gần 80 triệu đồng từ “quỹ rừng” cho 23 hội viên được vay vốn sản xuất, tổ trồng rừng Hạ Thanh như một “ngân hàng” nho nhỏ với phương châm giúp đỡ hội viên là chính. Nhưng từ những “đồng vốn nho nhỏ” này mà những “niềm tin lớn”, những “khát vọng lớn” được nhân lên, giúp hàng trăm người dân Hạ Thanh có cuộc sống ngày càng ấm no hơn...

Chỉ tay về từng cây và đọc tên từng người, ông Cu rành rọt: Cây này của ông Nhói, cây kia của ông Ngọc, xa nữa là cây của ông Em và đây, cây này... cây này... Dừng một lúc như để phần nào nguôi ngoai nỗi tiếc thương người đi xa, ông Cu khẽ nói như đủ mình nghe: “Rừng này vừa chính thức được đưa vào diện tích khoanh nuôi, bảo vệ để hằng năm địa phương chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Giờ có về với tổ tiên, tôi không còn lo lắng cách quản lý nữa rồi. Bởi người Hạ Thanh nay đã hiểu: “Ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt, còn khi ta giữ rừng thì rừng cho những nguồn thu”…

https://nhandan.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      156 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.072.207
      Online: 6