Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho việc bảo vệ, trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng gắn với thực hiện giảm nghèo nhanh bền vững như: Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng… Những chính sách do Chính phủ ban hành được Điện Biên triển khai, áp dụng tại các địa phương đã làm thay đổi tư duy cũng như hành động trong bảo vệ, phát triển rừng của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nậm Pồ là huyện có tổng diện tích rừng khá lớn khoảng trên 63.000 ha, những năm qua Nậm Pồ cũng được ghi nhận là địa phương có nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Huyện có tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện theo quy hoạch cho 3 loại rừng là gần 130.000ha, trong đó rừng phòng hộ hơn 65.106 ha và rừng sản xuất là trên 55.558 ha.

Trong thời gian qua, cùng với trồng rừng, việc khoanh nuôi tái sinh cũng là lựa chọn của nhiều hộ dân ở Nậm Pồ để phát triển rừng. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã khoanh nuôi tái sinh được hơn 4.700 ha trên cơ sở các chính sách hỗ trợ phát triển rừng. Việc hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh được áp dụng theo Quyết định 45 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo Quyết định này, trường hợp có diện tích đất nương, đất trống đủ điều kiện khoanh nuôi tái sinh rừng và đủ điều kiện hợp pháp sẽ được hỗ trợ 2,5 triệu/ha/năm, thời gian hỗ trợ là 4 năm đối với trồng rừng sản xuất; hỗ trợ 2,5 triệu/ha/năm, đối với khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên với thời gian hỗ trợ là 6 năm. Ngoài các trường hợp kể trên vẫn được hưởng các chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng hiện hành của Trung ương. Do đó, việc phát triển rừng ở huyện Nậm Pồ ngày càng được các xã, bản tích cực thực hiện, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng hằng năm.

Riêng việc thực hiện theo Quyết định 30a, trường hợp giao đất để trồng rừng sản xuất theo quy hoạch, được hưởng toàn bộ sản phẩm trên diện tích rừng sản xuất được giao, trồng; được hỗ trợ lần đầu giống cây lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất từ 2 đến 5 triệu đồng/ha/năm, tùy thuộc vào giá giống của từng địa phương và được hỗ trợ trong 4 năm. Tính từ năm 2015 đến nay, toàn huyện Nậm Pồ đã trồng mới được hơn 120 ha rừng, có nhiều mô hình rừng trồng mang lại hiệu quả kinh tế như mô hình trồng rừng của gia đình anh Vàng A Sang, xã Phìn Hồ, nhờ chính sách hỗ trợ trồng rừng, từ những năm 2015, 2016, 2017, gia đình anh Sang và bà con trong xã Phìn Hồ đã chuyển hàng chục ha đất nương sang trồng rừng.

Cùng với việc hỗ trợ phát triển rừng, huyện Nậm Pồ hiện có gần 50.000ha/63.000 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng với 139 chủ rừng là cộng đồng dân cư, hộ gia đình và tổ chức được chi trả DVMTR, hằng năm huyện đều yêu cầu ký cam kết bảo vệ nghiêm toàn bộ diện tích rừng đã được giao khoán chăm sóc, bảo vệ; thực hiện đúng các quy định phòng cháy, chữa cháy rừng. Đây là chính sách đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Nậm Pồ nói riêng trong những năm qua. Nhờ có chính sách này, ngoài việc hạn chế được tình trạng rừng bị chặt phá, người dân tham gia bảo vệ rừng cũng có thêm điều kiện để phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập, đồng thời làm tăng diện tích có rừng, nâng tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 42% (năm 2020).

Ông Bùi Văn Luyện, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Việc khoanh nuôi tái sinh rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ được huyện chúng tôi thực hiện trên cơ sở Nghị quyết và chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Từ đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn căn cứ vào nghị quyết kế hoạch khoanh nuôi tái sinh rừng hằng năm để giao diện tích cho các xã, tổ chức quán triệt nội dung đến nhân dân trên địa bàn. Trên cơ sở xác định kế hoạch của từng xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch đề ra. Cuối năm huyện sẽ tổ chức đoàn liên ngành do Kiểm lâm chủ trì đi kiểm tra đánh giá kết quả, từ đó làm cơ sở để chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chính sách bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng…

Từ khi có chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng người dân tại Nậm Pồ nêu cao trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng và có nhiều cộng đồng bảo vệ rừng tốt như: Chà Cang, Nậm Khăn, Chà Tở, Chà Nưa, Pa Tần và một số bản của xã Nà Hỳ.

http://dienbien.gov.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      155 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.051.416
      Online: 21